Cà Mau: Rà soát lao động nước ngoài, kiên quyết xử lý lao động trái phép

 Dân trí Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo rà soát lao động người nước ngoài, kiên quyết không để người nhập cảnh trái phép lao động trong cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn

Ngày 23/5, Chủ tịch tỉnh Cà Mau đã có chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát toàn bộ các cơ sở, doanh nghiệp đang sử dụng lao động là người nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ mọi trường hợp nhập cảnh, lao động nước ngoài đã đăng ký và làm việc tại các cơ sở, doanh nghiệp…

Chủ tịch tỉnh yêu cầu kiên quyết không để người nhập cảnh trái phép lao động trong cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó là kiểm tra, chấn chỉnh việc cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài tại địa phương, đảm bảo đúng quy định.

Cà Mau: Rà soát lao động nước ngoài, kiên quyết xử lý lao động trái phép - 1
Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo rà soát lại toàn bộ cơ sở, doanh nghiệp có người lao động nước ngoài làm việc (Ảnh minh họa).

Các sở, ngành, địa phương phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, doanh nghiệp tiếp nhận, sử dụng lao động trái phép và các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật.

Phối hợp với các cơ quan chức năng xem xét, trục xuất người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam nhưng không có giấy phép lao động (hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động) và không tuân thủ các quy định về người nước ngoài tại Việt Nam.

Chủ tịch tỉnh Cà Mau cũng đề nghị quyết liệt kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở những nơi có sử dụng lao động nước ngoài, bảo đảm thực hiện nghiêm quy định của cơ quan y tế.

“Kiên quyết đình chỉ và xử lý nghiêm các cơ sở, doanh nghiệp không bảo đảm an toàn phòng dịch theo quy định của pháp luật”, văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết chỉ đạo rõ của Chủ tịch tỉnh này.

Về việc rà soát lao động người nước ngoài, ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, cho biết sở đang phối hợp với cơ quan công an rà soát, lập hồ sơ để có hướng xử lý.

Bật mí chiêu ‘chém ngọt’ của thợ sửa điều hòa ngày nắng rát

Những ngày nắng nóng, thợ sửa chữa điện lạnh thường làm không hết việc và kiếm bộn tiền vì nhu cầu sửa chữa điều hòa lớn. Nếu không tỉnh táo, người tiêu dùng rất dễ bị thợ điều hòa “chặt chém”.

Tuần trước, bỗng nhiên chiếc điều hòa mua năm ngoái của nhà anh Nguyễn Huy Hoàng ở Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân, Hà Nội tự nhiên dở chứng, lúc chạy lúc không. Trong khi đó, trời thì nắng nóng 36-37 độ C, cả nhà anh lại ở nhà làm và học online vì dịch Covid-19. 

Do mù tịt về sửa chữa điện lạnh, anh Hoàng vội gọi thợ là người quen đến sửa. Người chủ liền điều một cậu thợ lạ đến nhà anh kiểm tra. Thấy thợ báo hỏng hóc gì, anh Hoàng cũng đồng ý thay vì tin tưởng. Đến khi thanh toán, anh ngã ngửa khi số tiền lên đến gần 2 triệu đồng.

“Người thợ này kiểm tra một hồi rồi phán bệnh là: Cháy tụ, quạt đảo chiều, vệ sinh máy. Tổng số tiền hôm đó mình phải trả là 1,7 triệu đồng. Trong đó, tiền vệ sinh máy là 200.000 đồng. Thay tụ xong, mình nhìn cái tụ điều hòa giống hệt như mấy cái tụ quạt. Xót đứt ruột nhưng được cái máy lạnh đã hoạt động bình thường”, anh Hoàng nói.

Bật mí chiêu chém ngọt của thợ sửa điều hòa ngày nắng rát - 1
Mùa hè, nhu cầu sửa chữa bảo dưỡng điều hòa tăng cao (ảnh NVCC)

Bực mình vì cảm giác bị mất tiền oan, vợ chồng anh Hoàng quyết định mua thêm một chiếc điều hòa nữa trong phòng khách.

“Do ít gặp được thợ điện lạnh có tâm nên mình tự rút ra kinh nghiệm là phải tính chính xác thể tích phòng khách của gia đình và chịu tốn thêm tiền để mua một máy lạnh công suất lớn hơn, hàng chính hãng để chạy tốt. Thế còn hơn là mua máy lạnh rẻ tiền hay hỏng hóc, mỗi lần gọi thợ đến sửa là cảm giác cứ trút bực vào thân”, anh Hoàng chia sẻ.

Cũng giống như nhà anh Hoàng, chị Trần Lan Anh ở Cổ Nhuế, Hà Nội cũng vừa bị thợ sửa điều hòa “chặt chém” khi gọi về sửa máy lạnh tại gia.

Người phụ nữ này kể, đúng hôm chồng chị đi công tác Sài Gòn hai ngày thì điều hòa nhà chị đột nhiên bị chảy nước. Chị lên mạng và tìm số điện thoại của thợ sửa điều hòa tự do. Thợ đến xem xong thì báo bộ cảm biến điều hòa nhà chị bị hư. Vì thế, chị đồng ý để thợ thay hết 1,8 triệu đồng.

“Khi chồng về, mình kể điều hòa bị hỏng bộ cảm biến, thay mất 1,8 triệu mà anh giật mình. Anh bảo bị thợ sửa điều hòa lừa rồi. Rồi anh cứ trách sao không gọi cho chồng để nhờ người quen sửa an tâm nhất. Vì đối với thợ ngoài, họ muốn cái gì hỏng thì nó sẽ hỏng”, chị Lan Anh bức xúc nói.

Các chiêu “chém ngọt” của thợ sửa điều hòa

Anh Long, một thợ sửa chữa điện lạnh ở Hà Đông, Hà Nội cho biết, nếu khách hàng là người thiếu kinh nghiệm, không biết nhiều về lĩnh vực điện máy thì nguy cơ bị thợ sửa chữa điều hòa lừa gạt càng lơn. Họ áp dụng các mánh khóe tinh vi, từ đó, nhét túi thêm bạc triệu.

Chẳng hạn, họ sẽ mua vật tư giá rẻ như dây điện, ống đồng kém chất lượng rồi “hét giá” với khách hàng. Hoặc trong quá trình bảo dưỡng, họ bịa lý do máy bị hỏng hóc để móc túi thêm của khách; hoặc thợ bảo dưỡng điều hòa lần nào đến vệ sinh cũng báo phải thêm gas trong khi gas vừa mới được bơm ở lần vệ sinh 6 tháng trước. 

Bật mí chiêu chém ngọt của thợ sửa điều hòa ngày nắng rát - 2
Nhiều khách hàng bị móc túi do ham rẻ, gọi thợ sửa điều hòa điều hòa không quen biết (ảnh minh họa)

“Nói chung, phần lớn lỗi mà thợ sửa điều hòa tìm ra chắc chắn không nằm trong phạm vi bảo hành. Từ đó, họ mới tính được tiền để có thể bỏ túi riêng. Nhưng khi về thì báo cáo với công ty hay ông chủ, họ lại nói chỉ sửa điều hòa trong phạm vi bảo hành. Tất nhiên, không phải người thợ nào cũng không có lương tâm như vậy”, anh Long cho hay.

Về nguyên nhân khiến nhiều thợ sửa điều hòa “chặt chém” khách ngày nắng nóng, anh Long lý giải: “Đó là còn do các gia đình ham rẻ. Bình thường, vệ sinh máy lạnh giá từ 150.000-170.000 đồng. Thế nhưng nhiều người chê giá cao, gọi thợ bên ngoài bảo trì có 100.000-120.000 đồng. Do đó, nhiều thợ đến nhà bảo dưỡng điều hòa cố tình “chặt chém” thêm được đồng nào nay đồng ấy”.

Do vậy, để tránh bị móc túi oan khi sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa ngày nắng nóng, anh Long khuyên: “Mọi người nên chọn thợ quen hay những người mình biết, tin tưởng được. Ngoài ra, nên chọn những trung tâm, cửa hàng cung cấp các dịch vụ lắp đặt, sửa chữa điều hòa uy tín; tránh am rẻ mà gọi những thợ điều hòa nghiệp dư. Bởi khi lắp đặt hoặc sửa chữa, nếu có vấn đề phát sinh xảy ra thì họ đã cao chạy xa bay”.

Thêm một điều nữa là bản thân mỗi người cũng tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về điều hòa, những lỗi thường gặp, cách khắc phục. 

Mô hình làm việc ở nhà sẽ tiếp tục tồn tại sau đại dịch Covid-19

Ban đầu, có một số người không thích làm việc tại nhà, nhưng giờ lại đang hy vọng sẽ được làm việc từ xa lâu dài vì những lợi ích về tài chính và cả năng suất làm việc.

Mô hình làm việc ở nhà sẽ tiếp tục tồn tại sau đại dịch Covid-19 - 1
(Nguồn: PA).

Sau một năm làm việc tại nhà mà không tốn tiền đi lại, chi tiêu cho mua sắm quần áo công sở hay ăn uống ở ngoài, nhiều người Canada đã tiết kiệm được hàng nghìn đôla Canada.

Ban đầu, có một số người không thích làm việc tại nhà, nhưng giờ lại đang hy vọng sẽ được làm việc từ xa lâu dài vì những lợi ích về tài chính và cả năng suất làm việc.

Theo một nghiên cứu mới công bố của Robert Half (một trong những công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm – tư vấn tuyển dụng lớn nhất của Canada), 33% người lao động sẽ tìm kiếm một công việc mới nếu họ được yêu cầu quay lại văn phòng toàn thời gian.

Đáng chú ý, 51% người lao động thích mô hình “kết hợp” – làm việc một phần tại nhà và một phần tại văn phòng, khi cần thiết.

Mike Shekhtman, Chủ tịch phụ trách khu vực miền Tây Canada của Robert Half, cho rằng sẽ là một thách thức để có thể cân bằng nhu cầu của tất cả nhân viên, khi có nhiều ý kiến khác nhau về việc liệu họ có muốn quay lại văn phòng toàn thời gian hay không.

Ông Shekhtman cho rằng nếu muốn nhân viên quay lại văn phòng làm việc toàn thời gian, các nhà quản lý nên cân nhắc hỗ trợ nhân viên bằng cách trợ cấp chi phí đi lại, hỗ trợ nhu cầu chăm sóc trẻ nhỏ hoặc áp dụng giờ làm việc linh hoạt để nhân viên có thể đưa đón con cái đi học.

Theo Jason Heath, Giám đốc điều hành của Objective Financial Partners (công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính), lợi ích của làm việc tại nhà thường nghiêng về nhân viên văn phòng.

Tác động về mặt tài chính là rất lớn, đặc biệt là đối với những người đã quyết định rời khỏi các trung tâm đô thị như Toronto để giảm bớt khoản thế chấp mua nhà.

Nếu không phải đến văn phòng thường xuyên, người lao động tiết kiệm được một khoản không nhỏ cho chi phí đi lại. Cơ quan thuế vụ Canada ước tính chi phí trung bình lên đến 59 xu/km để lái một chiếc ôtô cho mục đích công việc, bao gồm chi phí xe, xăng, bảo hiểm và bảo dưỡng.

Đối với những người phải lái xe từ 5.000-10.000 km mỗi năm để đi làm, khoản tiết kiệm lên đến 3.000-6.000 CAD.

Theo ông Heath, có rất nhiều người thuộc thế hệ Millennial (những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000) và thế hệ X (những người sinh ra ở giai đoạn 1965-1980) có thể thực sự cải thiện chất lượng cuộc sống (về tài chính) và tăng cường khả năng độc lập tài chính của họ bằng cách tận dụng lợi thế của làm việc tại nhà./.

Hai nút thắt trọng yếu của nhân lực TPHCM

Dân trí TPHCM có lợi thế từ nguồn lao động nhập cư dồi dào. Nhưng để phát huy hiệu quả nguồn nhân lực, thành phố cần giải quyết 2 vấn đề lớn: Mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề và trình độ nghề.

Nguồn lao động nhập cư rất lớn

Trong những năm qua, Nam bộ là vùng đô thị hóa nhanh, riêng TPHCM có tỷ lệ đô thị hóa lên đến 83% (cao nhất nước). Từ năm 1991 tới nay, các khu chế xuất, khu công nghiệp hình thành và phát triển đã thu hút một lượng lớn lao động nhập cư vào TPHCM.

Bình quân mỗi năm gần đây, TPHCM tăng thêm 200.000 người có đăng ký chính thức, trong đó có 2/3 là dân nhập cư và có từ rất nhiều nguồn như lao động tự do với trình độ thấp, người các tỉnh đến TPHCM học hành rồi ở lại lập nghiệp…

Đó là chưa kể khách vãng lai và lao động thời vụ từ các vùng khác đến cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ (dao động từ 1-2 triệu người).

Nguồn lao động nhập cư này đã dẫn đến nhiều vấn nạn xã hội cho thành phố như quá tải hạ tầng, bệnh viện, trường học, nhà ở… Nhưng đó cũng là nguồn cung nhân lực rất lớn, luôn bổ sung cho nhu cầu phát triển thành phố.

Hai nút thắt trọng yếu của nhân lực TPHCM - 1
Mỗi năm, TPHCM đón hàng trăm ngàn lao động từ các tỉnh đổ về đây lập nghiệp (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Trong giai đoạn 2020-2025 và đến 2030, dự báo mỗi năm nhu cầu thu hút lao động để đảm bảo sự phát triển của thành phố là khoảng 300.000-320.000 người, trong đó 130.000-150.0000 chỗ làm việc mới.

Đây là nhu cầu rất lớn mà tự thân nhân lực phát triển tự nhiên của thành phố khó đáp ứng được nên luồng di cư lao động là rất quan trọng, cần tận dụng tốt để phát triển thành phố.

Nhưng điều quan trọng nhất trong việc tận dụng nguồn lực lao động nhập cư là sự cân đối giữa nguồn cung đa dạng và nhu cầu nhân lực để phát triển thành phố tùy vào từng giai đoạn.

Hai nút thắt trọng yếu của nhân lực TPHCM - 2
Lao động nhập cư là nguồn lực rất lớn giúp TPHCM phát triển (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Hai “nút thắt” trọng yếu

Dù ngành lao động thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc khảo sát, thông tin và định hướng phát triển các ngành nghề cho cân đối nhưng thực tế cho thấy hiện vẫn còn nhiều “nút thắt” khiến ngành nhân lực mất cân đối, trong đó có 2 nghịch lý lớn nhất là tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề và trình độ nghề.

Thứ nhất là mất cân đối trong cơ cấu trình độ nghề diễn ra khá phức tạp. Khảo sát cho thấy nhu cầu lao động trình độ đại học tại TPHCM hằng năm là 16%-18%, trong khi trình độ cao đẳng và trung cấp là hơn 50% nhưng cơ cấu nguồn cung lại khác hẳn.

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, trong tổng số nhu cầu nhân lực quý I/2021 của các doanh nghiệp trên địa bàn TP, chỉ có hơn 22% là trình độ đại học trở lên, còn lại đều là nhân lực có trình độ thấp hơn như cao đẳng (17%), trung cấp (24%), sơ cấp (25%)…

Tuy nhiên, trong tổng số người có nhu cầu tìm việc, trình độ đại học trở lên lại chiếm hơn 60%.

Hai nút thắt trọng yếu của nhân lực TPHCM - 3
Du lịch là một trong những ngành dịch vụ trọng yếu của TPHCM nhưng hiện vẫn thiếu nhân lực phù hợp (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Nếu lượng người vào cao đẳng, trung cấp trong thời gian tới tiếp tục thấp hơn đại học thì sẽ gây ra hệ lụy như doanh nghiệp thiếu nguồn tuyển từ trường nghề. Trong khi đó, cử nhân đại học lại dư thừa, dẫn đến thất nghiệp, muốn có việc làm phải đào tạo lại, dẫn đến lãng phí tài nguyên xã hội và cơ hội phát triển nghề nghiệp của lao động.

Thứ hai là dù TPHCM đang thừa lao động trình độ cao nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển (4 ngành công nghiệp chủ lực và 9 ngành dịch vụ trọng yếu), đặc biệt là trong các ngành kỹ thuật, quản lý sản xuất – kinh doanh.

Chính vì vậy, công việc dự báo và truyền thông, định hướng người lao động chọn ngành, chọn nghề, chọn trình độ nghề phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của thành phố là rất quan trọng. Làm thế nào để tạo được nguồn nhân lực bảo đảm được các vị trí nòng cốt, ổn định trong doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm công tác chuyển giao công nghệ là điều mà TPHCM cần quan tâm để kịp thời bổ sung lực lượng này.

Hai nút thắt trọng yếu của nhân lực TPHCM - 4
Các ngành sản xuất tại TPHCM đang rất thiếu lao động có kỹ năng nghề (Ảnh: Nam Thái).

Cần có chính sách linh động và phù hợp

Những năm gần đây, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã nỗ lực rất nhiều nhưng dường như giáo dục nghề nghiệp chưa đủ sức tạo hấp dẫn trong xã hội.

Trong đó có nhiều nguyên nhân khách quan như học viên tốt nghiệp thường có việc làm ngay nhưng tốc độ thăng tiến còn chậm, việc đầu tư chưa đồng bộ khiến trang thiết bị của một số trường tương đối kém… Thực tế này cho thấy cần có sự điều chỉnh từ ngay cơ quan quản lý nhà nước của thành phố.

Người lao động nhập cư đa số là người trong độ tuổi thanh niên, người ở vùng nông thôn. Khi họ rời quê nhà vào thành phố làm việc, hay học tập xong lựa chọn ở lại thành phố làm việc đều xuất phát từ nguyện vọng là tìm việc làm có thu nhập để chăm lo cho cuộc sống và đóng góp cho gia đình; sâu xa hơn, họ mong muốn có sự nghiệp, có cuộc sống tốt hơn nơi quê nhà.

Hai nút thắt trọng yếu của nhân lực TPHCM - 5
Theo ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực (Ảnh: Tùng Nguyên).

Đây là tất yếu của thị trường lao động và cũng là vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cần nghiên cứu để có chính sách phân bổ, sử dụng nguồn nhân lực phù hợp với đặc điểm từng địa phương, từng thành phần kinh tế và nhu cầu nhân lực theo từng giai đoạn phát triển của thành phố.

TPHCM với vị trí đô thị lớn sẽ từng bước chuyển đổi cơ cấu lao động phù hợp với phát triển cơ cấu kinh tế công nghệ hiện đại. Quá trình này sẽ hình thành các chính sách về phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có chính sách sử dụng người từ các tỉnh, thành phố khác đến thành phố sinh sống, làm việc. 

Thành phố cần có chính sách ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp chủ lực theo định hướng phát triển; những nhóm ngành nghề có nhu cầu lao động nhiều, chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu lao động…

Trong giai đoạn hội nhập và tác động cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường lao động thành phố tiếp tục phát triển đa dạng ngành nghề về quy mô, số lượng và chất lượng. Do đó, công tác dự báo cần làm thường xuyên và chính sách hỗ trợ cũng cần linh động, điều chỉnh cho phù hợp.

Ngoài ra, yếu tố quyết định dẫn đến sự thành công nghề nghiệp vẫn là sự chủ động của cá nhân người nhập cư, những nỗ lực, tự ý thức về bản thân mình và có ý chí vươn lên. Để có việc làm tốt, người dân nhập cư phải tham gia học văn hóa, học nghề và tìm hiểu rõ về thị trường lao động để chọn học kỹ năng nghề phù hợp với bản thân và thị trường. Điều này cũng cần có sự hỗ trợ dự báo, truyền thông định hướng nghề phù hợp của cơ quan quản lý.

Bình Dương: Doanh nghiệp để lây lan dịch Covid-19 sẽ bị khởi tố hình sự

Dân trí UBND tỉnh Bình Dương sẽ buộc dừng hoạt động, rút giấy phép, thậm chí là khởi tố hình sự nếu doanh nghiệp không đảm bảo phòng, chống dịch hoặc để lây lan dịch

Bình Dương: Doanh nghiệp để lây lan dịch Covid-19 sẽ bị khởi tố hình sự - 1
Công nhân khi đến làm việc đều được đo thân nhiệt, kiểm tra y tế.

Ngày 27/5, UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp thực hiện nghiêm phương án phòng chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương đã giao Ban Quản lý các khu công nghiệp phối hợp với các huyện, thị, thành phố xây dựng kịch bản ứng phó với từng tình huống cụ thể khi phát hiện các ca F0, F1, F2, F3.

Ban Quản lý các khu công nghiệp phải thường xuyên phối hợp, tổ chức các đoàn kiểm tra việc doanh nghiệp thực hiện các phương án phòng chống dịch Covid-19, như: Kiểm tra y tế, yêu cầu công nhân lao động khai báo y tế hằng ngày trước khi vào làm việc; thực hiện giãn cách trong lao động, sản xuất và ăn uống, sinh hoạt tại công ty.

Đáng chú ý, UBND tỉnh Bình Dương sẽ buộc dừng hoạt động, rút giấy phép kinh doanh đối với các doanh nghiệp không đảm bảo điều kiện phòng chống dịch. Thậm chí sẽ khởi tố hình sự nếu doanh nghiệp để lây lan dịch.

Bình Dương: Doanh nghiệp để lây lan dịch Covid-19 sẽ bị khởi tố hình sự - 2
Việc đo thân nhiệt được thực hiện nghiêm túc.

Được biết, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã xây dựng kịch bản ứng phó với tình hình dịch Covid-19, chuẩn bị cơ sở vật chất đảm bảo cách ly được 4.000 người. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng và nâng cấp các cơ sở vật chất của các bệnh viện dã chiến để có thể đáp ứng với kịch bản cách ly 10.000 người.

Tỉnh Bình Dương hiện có 28 khu công nghiệp với 51.303 doanh nghiệp trong nước và trên 3.900 doanh nghiệp vốn FDI. Tổng số công nhân lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là hơn 1 triệu người. 

Cũng trong sáng nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương đã có thư kêu gọi toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19. Ngay sau lời kêu gọi, UBND tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận gần 32 tỷ đồng từ các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ.

“Xây dựng chính sách việc làm thông thoáng, hướng tới người lao động…”

Dân trí “Cần tạo môi trường để phát triển thị trường lao động đồng bộ, thống nhất, hiệu quả với tinh thần nhanh nhất, thông thoáng nhất và vì lợi ích của người lao động” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Sáng ngày 27/5, tại Hà Nội, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH có buổi làm việc với Cục Việc làm về các vấn đề xây dựng thể chế, tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng tham mưu, dự báo về chiến lược lao động việc làm quốc gia.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và các Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Lê Văn Thanh, Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Bá Hoan, Nguyễn Văn Hồi, đại diện lãnh đạo các cục vụ liên quan của Bộ cùng dự.

Phát huy nhân tố lực lượng lao động

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Việc làm là một trong những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội và đối với đất nước. Trong đó, việc xác định cung cầu và dự báo thị trường lao động có tác động to lớn tới sự chuyển động của hàng loạt các vấn đề kinh tế xã hội”.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, công tác bám sát thông tin thị trường lao động việc làm, hướng dẫn chi trả bảo hiểm thất nghiệp và đẩy mạnh hoạt động hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm đã góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp, chuyển đổi nghề cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch.

Xây dựng chính sách việc làm thông thoáng, hướng tới người lao động... - 1
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc (Ảnh: Giáp Tống).

“Với phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục Việc làm đã chú ý triển khai thực hiện, bám sát các nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ. Tham mưu ban hành kịp thời, đúng quy trình các văn bản hướng dẫn địa phương, thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành, hoàn thành các nhiệm vụ đột xuất phát sinh”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu.

Đặc biệt, Cục đã tham gia giải quyết sự cố môi trường biển ở miền Trung và ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 năm 2020.

Cũng theo Bộ trưởng, sự phối hợp giữa Cục Việc làm với các đơn vị liên quan đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn tồn tại một số hạn chế, đó là: Việc tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ vấn đề việc làm và lao động còn chậm, còn nhiều tồn tại trong công tác quản lý lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc, quá trình thúc đẩy chuyển dịch lao động chậm so với chuyển động và độ mở của nền kinh tế.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu Cục Việc làm tập trung quán triệt tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội về các chỉ tiêu lao động, việc làm, tỷ lệ thất nghiệp…

“Trong đó, phải tạo ra môi trường, động lực để phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất và hiệu quả. Để đạt mục tiêu đó, điều quan trọng nhất là cần tập trung phát huy nhân tố lực lượng lao động, làm sao để lực lượng này trở thành mục tiêu, trung tâm và chủ thể và là nguồn lực chủ yếu để phát triển” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng lưu ý Cục Việc làm cần tập trung nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của người nghèo, người yếu thế, lao động ở khu vực không có quan hệ lao động theo tinh thần của Bộ luật Lao động 2019; gắn với việc giải quyết tốt bảo hiểm thất nghiệp và phát huy Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trở thành công cụ quản trị thị trường lao động.

Định hướng hoạt động cho Cục Việc làm trong năm 2021, người đứng đầu ngành Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo: “Đơn vị phải khẩn trương rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến lao động việc làm, phát hiện ra những bất cập, để kịp thời đề xuất Bộ sửa đổi, thay thế, bổ sung và điều chỉnh với “Tinh thần nhanh nhất, thông thoáng nhất và tất cả vì lợi ích của người lao động”.

Xây dựng chính sách việc làm thông thoáng, hướng tới người lao động... - 2
Buổi làm việc có sự tham dự của đông đảo lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ LĐ-TB&XH (Ảnh: Giáp Tống).

Ngoài ra, Cục Việc làm cần tập trung xây dựng hệ thống dự báo cung cầu lao động ngắn hạn và trung hạn trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có tác động hiện nay, đánh giá tổng thể về quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Về vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu dự báo cung – cầu việc làm, Bộ trưởng đề nghị Cục Việc làm  lựa chọn những doanh nghiệp có tiềm lực và uy tín tham gia, đề xuất trình lãnh đạo Bộ quyết định trong tháng 6/2021.  

Gần 29.900 tỷ đồng cho vay tạo việc làm

Báo cáo tại cuộc họp, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, cho biết: “Từ năm 2020 đến nay, Cục đã tham mưu cấp có thẩm quyền ký ban hành 3 nghị định, 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 1 thông tư…”.

Từ việc tham mưu chính sách lao động việc làm, năm 2020, cả nước đã giải quyết việc làm cho 1,27 triệu người. Đây là sự cố gắng rất lớn trong bối cảnh cả nước chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Cục đã đẩy mạnh hỗ trợ tạo việc làm qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi.

Tính đến ngày 31/10/2020, tổng nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm là gần 29.900 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.

Xây dựng chính sách việc làm thông thoáng, hướng tới người lao động... - 3
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, báo cáo tại buổi làm việc (Ảnh: Giáp Tống).

Cục Việc làm đã tổ chức thực hiện chính sách lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo đúng quy định, thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc…

“Đánh giá chung, các nội dung công tác chủ yếu trong lĩnh vực việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động đã được Cục triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời và có tác động tích cực, đẩy mạnh việc hoàn thành chỉ tiêu của Bộ, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội” – ông Vũ Trọng Bình thông tin.

Tuy nhiên theo Cục trưởng Cục Việc làm, bên cạnh những thành tích đạt được vẫn còn một số các hạn chế như: Chưa hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động – việc làm; công tác dự báo dự báo thị trường lao động còn chưa tốt; đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ hết tất cả các đối tượng có quan hệ lao động.

Để khắc phục những khó khăn và tồn tại nêu trên, ông Vũ Trọng Bình đề nghị Lãnh đạo Bộ đề xuất Chính phủ xây dựng Đề án đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động – việc làm đồng bộ, liên thông, đầu tư phát triển hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm có sự liên kết toàn quốc và gắn với thị trường lao động…

Lương khởi điểm cả ngàn USD nhờ rèn luyện từ khi là sinh viên

Dân trí “Công ty nào cũng cần thiết kế để tạo sản phẩm hay truyền thông, nên nhu cầu tuyển dụng luôn cao, các bạn thiết kế không khó để tìm việc”, Bùi Thanh Đại, sinh viên tốt nghiệp ĐH Tôn Đức Thắng chia sẻ.

Lương khởi điểm cả ngàn USD nhờ rèn luyện từ khi là sinh viên - 1
Nhân sự ngành thiết kế phải rất nỗ lực mới có thể nhận mức lương cao.

Choáng khi biết mức lương khởi điểm

Mấy tháng qua, bạn Nguyễn Hồng Phong (quê ở Đồng Nai) mới được nhận bằng tốt nghiệp loại khá ngành thiết kế đồ họa, Đại học Kiến trúc TPHCM. Phong từng cộng tác cho hàng chục công ty quảng cáo với thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tuy vậy, Phong không được ký hợp đồng làm việc vì chưa có bằng đại học.

“Khoảng 2 năm cuối đại học, em dành chủ yếu thời gian đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm. Mức thu nhập cũng đủ giúp trang trải cuộc sống ở TPHCM, nhưng thiệt thòi vì chỉ là cộng tác viên”, Phong chia sẻ.

Ngay sau khi nhận bằng tốt nghiệp, Phong mang hồ sơ đến xin ứng tuyển tại một trong những công ty đang cộng tác. Sau khi trình bày về những ý tưởng, dự kiến cho các kế hoạch của công ty, Phong được nhận vào làm nhân viên chính thức với mức lương “khủng”.

Lương khởi điểm cả ngàn USD nhờ rèn luyện từ khi là sinh viên - 2
Với những tư duy thiết kế riêng, Phong được nhận vào làm nhân viên chính thức với mức lương “khủng”.

“Ban đầu nhân sự đề xuất mức lương 1.500 USD/tháng. Em mừng quá chưa kịp phản ứng gì thì chị giám đốc nhân sự nói cứ về nhà suy nghĩ. Một ngày sau, bộ phận nhân sự thông báo cần em đi làm ngay vào hôm sau, với mức lương 2.000 USD/tháng…”, Phong nhớ lại.

Theo Phong, nguyên nhân để có thể thỏa thuận mức lương cao khi phỏng vấn là kinh nghiệm thực tế tích lũy được và kiến thức sáng tạo phù hợp. Trong đợt phỏng vấn cùng với Phong, một số bạn chưa có kinh nghiệm nên chỉ nhận được mức lương khởi điểm 6 – 8 triệu đồng/tháng.

Không nhận được mức lương ngàn USD, nhưng Nguyễn Hoàng Ngọc Chiến (ngụ TPHCM) cũng được xem là thành công với mức lương khởi điểm 12 triệu đồng/tháng. Ngoài công việc chính, Chiến nhận làm thêm một số việc thiết kế bên ngoài để tăng thu nhập.

Lương khởi điểm cả ngàn USD nhờ rèn luyện từ khi là sinh viên - 3
Bạn Nguyễn Hoàng Ngọc Chiến (trú tại TPHCM) nhận mức lương khởi điểm 12 triệu đồng/tháng.

Suốt quãng thời gian theo học trên ghế nhà trường, cậu không chỉ ham học hỏi từ những người thầy đi trước mà còn bắt đầu kiếm việc làm bán thời gian từ khi là sinh viên năm 2. Sau khi ra trường, Chiến tích lũy được 3 năm kinh nghiệm trong nghề, từ đó chàng trai trẻ tự tin xin việc với mức lương mong muốn.

Chia sẻ về kinh nghiệm, Chiến khẳng định việc nắm vững kiến thức nền tảng khi còn đi học là điều mà các bạn sinh viên cần có. Ngoài chuyên ngành, sinh viên thiết kế nên bổ sung thêm một số kỹ năng khác liên quan đến ngành mỹ thuật như: Bắt kịp xu hướng, hiểu biết về thời trang, cách bài trí… 

“Bên cạnh hành trang kiến thức, thỏa thuận lương cũng là một kỹ năng cần có khi đi ứng tuyển công việc. Các bạn sinh viên thường có xu hướng thỏa thuận lương thấp, vì không đủ tự tin đánh giá về thực lực bản thân. Để có mức lương tốt hơn, đừng ngại ngần đề nghị mức lương xứng đáng với năng lực”, Chiến chia sẻ.

Lương khởi điểm cả ngàn USD nhờ rèn luyện từ khi là sinh viên - 4
Đại cho rằng sinh viên ngành thiết kế cần bổ sung thêm các kiến thức mỹ thuật và gạt bỏ “cái tôi” để thành công. 

Cần nhiều, đào thải nhanh

Trao đổi với PV, bạn Bùi Thanh Đại, sinh viên tốt nghiệp ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết: “Ngành thiết kế có thể làm việc cố định cho một công ty hoặc làm freelancer tại nhà. Chỉ cần năng lực tốt, mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng là không khó”.

Sinh viên thiết kế thường có tính sáng tạo cao và luôn muốn tạo dấu ấn cá nhân. “Tuy nhiên, khi làm việc thực tế, sinh viên phải có nhìn nhận đúng về thẩm mỹ thị trường, từ đó có thể đưa ra sản phẩm phù hợp nhất”, Đại chia sẻ.

Lương khởi điểm cả ngàn USD nhờ rèn luyện từ khi là sinh viên - 5
Nhân viên thiết kế có năng lực sẽ dễ đàm phán lương cao.

Theo ông Nguyễn Anh Kiên, Giám đốc Công ty TNHH TMDV An Long, nhu cầu về thiết kế ngày càng tăng cao. Nhưng ngành thiết kế cũng có sự đào thải cao nên người làm nghề này cần có tư duy sáng tạo nổi bật và bám sát thực tế.

“Mỗi năm công ty đều phỏng vấn khoảng 50 bạn sinh viên mới ra trường nhưng chỉ chọn được khoảng 5 bạn. Mức lương công ty trả cho nhân viên đều không dưới 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nhiều bạn sinh viên mới ra trường có “cái tôi” khá cao và sáng tạo phi thực tế nên không được lựa chọn”, ông Kiên chia sẻ.

Theo ông Kiên, thời buổi công nghệ hiện nay là cơ hội để ngành thiết kế lên ngôi. Trong nhóm các công ty thiết kế ông quen biết có những nơi trả lương cho nhân sự hàng chục ngàn USD/tháng.

Đặc biệt, nhiều công ty sẵn sàng chi hàng tỷ đồng cho việc thiết kế logo, thương hiệu. Do vậy, các sinh viên ngành thiết kế rất dễ để có thu nhập cao ngay sau khi ra trường nếu đáp ứng được các tiêu chí của nhà tuyển dụng.

Kiếm bộn tiền, shipper vẫn lo ngay ngáy trước bệnh dịch phức tạp

Để đảm bảo an toàn sức khỏe, shipper và người mua hàng cần luôn đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn trước và sau khi nhận, giao hàng, giữ khoảng cách an toàn từ 2m trở lên.

Từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại, nhiều người đã lựa chọn hình thức mua sắm online để phòng, chống dịch bệnh. Do đó, dịch vụ chuyển phát hàng hóa cũng trở nên sôi động hơn.

Tuy thu nhập cao hơn nhưng nghề chuyển phát hàng hóa cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Bởi vậy, cả người giao hàng (shipper) và người nhận hàng cần chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Đơn hàng tăng cao

Trước tình hình dịch Covid-19 tái bùng phát và diễn biến phức tạp, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có công văn yêu cầu tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đến khi có thông báo mới của thành phố.

Cụ thể, nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người.

Kiếm bộn tiền, shipper vẫn lo ngay ngáy trước bệnh dịch phức tạp - 1
Các shipper tiếp xúc với rất nhiều người trong 1 ngày nên rất dễ gặp rủi ro. (Ảnh: Khánh Hương/Vietnam+).

Cùng với quy định, việc lo ngại bệnh dịch đã khiến nhiều người dân thay đổi thói quen. Thay vì ra hàng quán để ăn uống họ chuyển sang đặt hàng online và shipper sẽ đem đến tận nơi. Nhờ vậy, bán hàng online rất thịnh hành và các đơn hàng của shipper cũng tăng vọt.

Chị Thùy Dương (quận Ba Đình-Hà Nội) – nhân viên ngân hàng cho biết: “Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, tôi đã hạn chế thấp nhất việc ra đường và quyết định mua hàng online, sử dụng dịch vụ giao hàng tận nhà. Khi xuống lấy đồ tôi cũng luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn với các shipper, sau khi nhận đồ sẽ xịt khuẩn gói hàng…”

Chị Phương Thảo – chủ một quán bún miến ngan – cũng chia sẻ: “Thời tiết nắng nóng cộng thêm dịch bệnh nguy hiểm khiến nhiều khách hàng lựa chọn gọi đồ ăn về nhà. Đơn hàng online đợt này tăng lên nhiều, shipper đến lấy hàng liên tục, khách đặt nhiều vào thời điểm trưa và tối. Cửa hàng luôn có từ 5 đến 6 nhân viên mà không chạy kịp việc vì đơn nhiều…”

Nhiều khách hàng đặt online đồng nghĩa công việc của các shipper cũng sẽ tăng theo. Theo lời một shipper, trung bình trước kia mỗi ngày chuyển phát 10-12 đơn hàng, nhưng trong thời điểm hiện tại, có những ngày đạt đến 18-25 đơn.

Theo anh, thu nhập của các shipper cộng tác với ứng dụng như Grab, Now hay là Beamin phụ thuộc vào từng chuyến đi. Grab tính trên quãng đường di chuyển, đơn hàng online sẽ có mức tính là 7.000 đồng/km và phải trả chi phí cho Grab là 20%, phần còn lại là thu nhập của shipper.

Như vậy mỗi đơn hàng giao thành công tài xế sẽ nhận được khoản thù lao khoảng 12.000-25.000 đồng, thậm chí có đơn còn được 50.000 đồng tùy khoảng cách. Những ngày này nếu chăm chỉ chạy chở khách và giao đồ, một tài xế có thể có thu nhập từ 600.000-800.000 đồng, cao cấp đôi bình thường.

Là một tài xế giao hàng của Best Express, anh Nguyễn Văn cho hay làm shipper toàn thời gian đến nay được 7 năm nhưng đây là quãng thời gian có nhiều đơn hàng nhất.

Kiếm bộn tiền, shipper vẫn lo ngay ngáy trước bệnh dịch phức tạp - 2
Khách và shipper cần giữ khoảng cách an toàn và luôn đeo khẩu trang khi giao, nhận hàng. (Ảnh: Khánh Hương/Vietnam+).

“Đơn hàng tăng đồng nghĩa với thu nhập của mình cũng tăng đáng kể nhưng đi theo đó là áp lực khi có ngày không giao hết hàng. Chạy xe thời điểm dịch này cộng với dưới trời nắng từ sáng đến 6-7 giờ tối khiến tôi và các anh em shipper đều oải, chưa kể thời gian đứng đợi chờ khách xuống lấy hàng. Khi tiếp xúc với khách hàng phải giữ khoảng cách an toàn, luôn đeo khẩu trang,” anh Văn nói.

Rủi ro luôn tiềm ẩn

Nhiều người bảo rằng shipper mùa dịch như “cá gặp nước.” Thế nhưng phía sau tay lái là vô vàn lo lắng, băn khoăn.

Anh Ban Văn Hiếu – shipper của Baemin cho hay: “Tôi là sinh viên ở lại Hà Nội đăng ký làm shipper kiếm thêm thu nhập. Mới làm được 1 tuần nhưng tôi thấy quá tải.”

Cũng bởi đặc thù là phải di chuyển, tiếp xúc với nhiều người nên nghề shipper tiềm ẩn nhiều rủi ro lây nhiễm dịch. Công việc mỗi ngày giáp mặt hàng chục khách hàng nên nếu lơ đãng có thể rước bệnh cho mình và cộng đồng.

Anh Nguyễn Chí Cường – tài xế chạy xe công nghệ Gojek tại Hà Nội – chia sẻ: “Dịch bệnh bùng phát, tôi vừa chạy xe công nghệ, vừa giao đồ ăn, một ngày chạy hết công suất cũng 20-25 chuyến cả ship đồ ăn lẫn chạy xe. Nhiều khách đợt mới bùng phát dịch vẫn còn chủ quan, không đeo khẩu trang, tôi luôn mang theo mình từ 5-6 cái, sẵn sàng tặng khách nếu họ cần. Sức khỏe họ tốt, mình giao hàng cũng thấy yên tâm”.

Theo anh Trần Thanh Lâm, shipper của Grap thì chia sẻ thường mang theo nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang thay liên tục, thậm chí đồ mặc bên ngoài 1 ngày cũng thay 2 bộ.

Cũng theo các tài xế, từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, trên phía công ty cũng luôn nhắc nhở các tài xế, shipper cẩn thận, thực hiện các biện pháp chống dịch, đảm bảo an toàn cho bản thân và khách hàng.

Điều khiến cánh shipper lo lắng không chỉ khi tiếp xúc với khách mà còn ngại về đếm tiền.

“Cứ mỗi lần lấy cầm tiền của khách hoặc đếm tiền trong thời điểm dịch, tôi lo ghê lắm. Đếm xong lại rửa tay, vẫn cứ thấp thỏm. Đa phần tài xế như chúng tôi mong muốn khách hàng có thể chuyển khoản, sử dụng ví điện tử, tránh đứng quá lâu trả lại tiền cho khách, luôn giữ khoảng cách an toàn, tôi nghĩ như vậy đã là bảo vệ chính tôi và khách hàng của mình”, anh Cường chia sẻ.

Đa số các shipper đều mong muốn khách hàng thanh toán qua hình thức online, chuyển khoản, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh, đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người khi mua sắm và đặt hàng online. Bên cạnh đó, các shipper cũng không lo sợ bị khách “bom” hàng.

Một lãnh đạo Hiệp hội bảo về người tiêu dùng cho rằng, để đảm bảo an toàn sức khỏe, shipper và người mua hàng cần luôn đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩn trước và sau khi nhận, giao hàng; giữ khoảng cách an toàn từ 2m trở lên.

Ngoài ra, người dân nên sử dụng các dịch vụ giao hàng có uy tín với quy trình kiểm soát chặt chẽ. Khi nhận hàng nên lau bề mặt gói hàng bằng cồn 70 độ hoặc các dung dịch sát khuẩn… để bảo đảm an toàn trong mùa dịch.

Dân làm tour du lịch chật vật “xoay nghề” trong bão dịch Covid-19

Dân trí Thanh Hóa có gần 100 hướng dẫn viên du lịch. Nhưng sau 4 đợt dịch Covid-19 bùng phát, hầu hết anh chị em đã xoay sang các nghề khác như shipper, bán hàng online, môi giới bất động sản… để mưu sinh.

Nhân viên đồng loạt bỏ việc

Hơn 15 năm hoạt động trong lĩnh vực du lịch, anh Vũ Văn Bình, giám đốc một doanh nghiệp lữ hành ở Thanh Hóa, chưa bao giờ lại nhận thấy công ty rơi vào tình trạng khó khăn như bây giờ.

Công ty của anh Vũ Văn Bình có 4 chi nhánh ở các tỉnh như Thanh Hóa, Hà Nội, Quảng Ninh. Sau 4 đợt dịch Covid-19 bùng phát, nhân viên của anh đã nghỉ việc gần hết.

Nếu như bình thường, anh có 15 nhân viên. Nhưng giờ chỉ còn 4 người đang cố gắng cầm cự. Để doanh nghiệp có thể tồn tại, anh Vũ Văn Bình đảm nhiệm luôn việc của nhân viên sale, dẫn tour…

Dân làm tour du lịch chật vật xoay nghề trong bão dịch Covid-19 - 1
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khu du lịch Pù Luông (Thanh Hóa) trở nên vắng vẻ hơn bao giờ hết.

Hơn thế, anh Vũ Văn Bình còn xoay qua lĩnh vực khác là mở xưởng in ấn. Nhân viên của anh sẽ chuyển sang làm thị trường cho mảng in ấn.

Những năm chưa có dịch, doanh thu bán vé máy bay của công ty anh Vũ Văn Bình lên đến hơn 200 triệu đồng/ngày. Trước 30/4, doanh thu còn “nhúc nhắc” 60 triệu đồng/ngày. Nhưng đến giờ, mọi thứ gần như “đóng băng”.

Không chỉ lo xoay chuyển nghề, anh Vũ Văn Bình còn tính việc đàm phán, hoãn tour, tìm phương án giảm thiệt hại thấp nhất cho khách.  

“Không riêng gì công ty của tôi, hầu hết các doanh nghiệp lữ hành khác đều có tình trạng nhân viên chuyển nghề. Quá nhiều nhân lực lao động ngành du lịch phải đi kiếm việc làm khác để mưu sinh. Chuỗi cung ứng, các đầu mối liên kết du lịch bị đứt gãy cả trong và ngoài nước, chúng tôi chỉ còn biết chờ đợi…”, anh Vũ Văn Bình tâm sự.

Xoay đủ nghề mưu sinh

Cũng gặp khó do Covid-19, anh Nguyễn Văn Giáp (thành phố Thanh Hóa) với thâm niên gần 20 năm trong nghề làm hướng dẫn du lịch, đã phải chấp nhận “gác kiếm” về bán cà phê.

Thời điểm còn làm hướng dẫn viên du lịch, thu nhập của anh khoảng hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Còn bây giờ để kiếm 4-5 triệu đồng/tháng với anh cũng khó khăn.

Dân làm tour du lịch chật vật xoay nghề trong bão dịch Covid-19 - 2
Anh Lê Sỹ Tâm (bìa trái) cho biết trước đây, tháng nào anh cũng kín lịch còn bây giờ không biết khi nào mới có việc.

Anh Nguyễn Văn Giáp cho biết: “Không riêng gì mình phải bỏ nghề. Nhiều đồng nghiệp phải xoay xở bằng nhiều nghề để mưu sinh như chạy xe ôm, chạy taxi, bán bảo hiểm, môi giới bất động sản… Thậm chí, có người chuyển sang làm nhà hàng, khách sạn không được bao lâu cũng mất việc vì ảnh hưởng do dịch. Nhiều người phải bắt đầu từ con số 0 với một nghề khác”.

Cũng theo anh Nguyễn Văn Giáp, hướng dẫn viên du lịch hầu hết là hoạt động tự do, cộng tác cho các công ty du lịch nên không có lương cố định hàng tháng. Họ thu nhập theo ngày, khi không có tour dẫn đồng nghĩa với thất nghiệp.

Theo anh Lê Sỹ Tâm, trên địa bàn Thanh Hóa có khoảng gần 100 hướng dẫn viên nhưng hiện đã chuyển sang nghề khác gần hết, chỉ còn không đầy 20 người đang cố bám nghề. Bản thân anh hiện cũng làm công việc bán hàng online và shipper giúp vợ để có tiền trang trải.

Theo anh Lê Sỹ Tâm, Phó Chủ nhiệm một câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn Thanh Hóa, nếu không xảy ra dịch bệnh, nghề hướng dẫn viên chỉ bớt chút ít việc vào 3 tháng cuối năm.

Với người có nhiều kinh nghiệm và lành nghề như anh, công việc cũng như thu nhập ổn định khoảng 15-20 triệu đồng/ tháng. Đặc biệt, vào thời điểm hè, anh Lê Sỹ Tâm kín lịch với thu nhập lên đến 25-30 triệu đồng/tháng.

Vậy nhưng, dịch Covid-19 kéo đến, công việc của anh cùng đồng nghiệp bắt đầu lao đao. Đợt dịch đầu tiên diễn ra, anh Lê Sỹ Tâm tranh thủ làm MC cho các sự kiện, đám cưới. Đến nay, dịch cũng khiến anh không thể tiếp tục công việc này.

“Tôi giúp vợ đi ship hàng cho khách mua online. Thu nhập từ công việc này không đáng bao nhiêu, trong khi đó rất nhiều thứ phải chi phí khiến cuộc sống khá chật vật. Trước 30/4, tưởng dịch tạm ổn, công việc đang dần trở lại thì lại bị dập tắt, mọi hy vọng đến giờ với chúng tôi gần như sụp đổ”, anh Lê Sỹ Tâm bộc bạch.

Đồng thời, anh cũng mong dịch nhanh chóng qua đi để quay trở lại đi làm, mong đội ngũ hướng dẫn viên du lịch và công ty lữ hành được hỗ trợ phần nào để san sẻ sự khó khăn đối với nghề bị thiệt hại nặng nề này.

Top nhà hàng Việt Nam ở Canberra Úc nhất định phải ghé thăm

Xem ngay các quán ăn, nhà hàng Việt Nam ở Canberra Austalia ngon, được đánh giá cao nhất đừng quên ghé thăm khi ở thủ đô Úc.

Cùng xem top nhà hàng Việt Nam tại Canberra, thủ đô Úc, được ưa chuộng nhất và nhận được sự đánh giá cao cùng mức độ hài lòng của nhiều khách hàng đã từng ghé thăm: 

Pho Phu Quoc Vietnamese Restaurant

Địa chỉ: 5 Badham Street, Dickson, Canberra, ACT 2602. 

ĐT: +61 2 6249 6662

Nhà hàng nổi tiếng là quán ăn Việt Nam ở Canberra có thức ăn ngon tuyệt với và dịch vụ nhanh chóng. Thưởng thức các món ăn truyền thống Việt Nam như Phở và nem cuốn tươi trong phòng ăn được trang trí đơn giản.

Pho Phu Quoc Vietnamese Restaurant là một trong những nhà hàng Việt ở Canberra nổi tiếng

Một số món ăn ngon của nhà hàng gồm: nem cuốn, những miếng gà giòn với dưa chuột và nước tương, xà lách trộn với đậu phụ, vịt nướng, salad cá, sốt cà ri với sả và ớt, chả giò hải sản, thịt bò với rau sốt dầu hào, salad tôm và thịt lợn, thịt bò với sả và ớt & thịt bò với nước sốt sa tế,…

Giờ mở cửa:

Thứ 2 – Thứ 6: 11:00 sáng – 3:00 chiều | 5:00 chiều – 10:00 tối

Thứ 7 & CN: 11:00 sáng – 10:00 tối

Griffith Vietnamese Restaurant

Địa chỉ: Đường 6B Barker, Canberra, ACT 2603.

ĐT: +61 2 6295 6505

Một số món ăn ngon ở quán: Rau hấp tươi kèm nước sốt ngon, đậu phụ chiên và rau với nước sốt riêng, bún gạo cùng salad Việt Nam, món chay, tôm om với hạt tiêu đen, rau trộn với cà ri và nước sốt dừa, gà xào với dứa , Rau om tươi & Hạt điều,…

Nhà hàng Việt Griffith ở Canberra vừa ngon giá lại phù hợp

Nhà hàng Việt tại Canberra này cung cấp thực phẩm tuyệt vời với giá cả phù hợp. Chả giò và thịt bò om khá nổi. 

Giờ mở cửa:

Thứ 2: 12:00 trưa -2:00 chiều | 5:00 chiều – 10:00 tối

Thứ 3 – Thứ 6: 12:00 trưa -2:00 chiều

Thứ 7: 5:00 chiều – 10:00 tối

Chủ Nhật: 5:00 chiều – 9:00 tối

Bistro Nguyen’s

Địa chỉ: 1/80 Alinga Street, Canberra, ACT 2601.

ĐT: +61 2 6262 6888

Nằm trong thành phố, Bistro Nguyen’s là nơi hoàn hảo để ăn những món ăn Việt Nam nhanh, tươi ngon.

Bistro Nguyen’s là nơi hoàn hảo để ăn những món ăn Việt Nam nhanh, tươi ngon

Với nhiều lựa chọn như các món súp ấm áp, các món xào thơm lừng và món cơm lạ miệng, hãy đến Bistro Nguyễn và trải nghiệm một số món ăn Việt Nam ngon nhất tại Canberra.

Giờ mở cửa:

Ăn trưa:

Thứ hai – Thứ Sáu: 12:00 trưa -2:00 chiều

Ăn tối

Thứ hai – Thứ bảy: 5:30 chiều – 9:00 tối

Can Tho

Địa chỉ: 38 Weedon Close, Belconnen (cách trung tâm Thành phố 10-15 phút lái xe).

Nhà hàng Việt ở Canberra được điều hành bởi một gia đình Việt Nam và khá được yêu thích bởi thực khách.

Nhà hàng có thực đơn phong phú các món ăn Việt Nam và Trung Quốc và nhiều người cho rằng món ăn Việt Nam ở Canberra ở đây là tốt nhất.

Can Tho là nhà hàng Việt tại Canberra được thực khách yêu thích

Phong cách trang trí cơ bản nhưng hoàn toàn chấp nhận được cho một buổi tối đi chơi. Về đồ uống có cà phê sữa đá khá ngon.

Giờ mở cửa: 

Ăn trưa: 10 giờ sáng – 2 giờ 30 chiều mỗi ngày

Ăn tối: 5 giờ chiều – 10 giờ tối (CN đến thứ 5), 5 giờ chiều – 10:30 tối (Thứ Sáu – Thứ Bảy)

Pho @ Dickson

Địa chỉ: 14 Woolley Street, Dickson, Canberra, ACT 2601.

Nổi tiếng nhất là món phở chay (phở cay vừa với những lát thịt bò tái mỏng, thịt lợn luộc và xúc xích Việt Nam).

Những người thèm ăn những món ăn người Việt ở Canberra chỉ cần ghé thăm nhà hàng Pho @ Dickson trên phố Woolley để thỏa mãn ham muốn. Nhà hàng do một gia đình điều hành mang lại cảm giác đón chào thân thiện, bầu không khí sang trọng ấm áp.

Pho @ Dickson ở Canberra có thể làm hài lòng tất cả khẩu vị của thực khách

Lấy cảm hứng từ các hương vị truyền thống, một thực đơn ấn tượng hấp dẫn có thể làm hài lòng tất cả khẩu vị từ phở gạo satay, qua các món mì xào, như mì gạo tươi với gia vị ớt nhẹ và rau trộn trong nước sốt đặc biệt của quán, kết thúc cùng bánh tart sô cô la đậm đà trong nước sốt dứa.

Giờ mở cửa:

Thứ 2: 5:00 chiều – 10:00 tối

Thứ 3-CN: 11:00 sáng – 3:00 chiều | 5:00 chiều – 10:00 tối