Hàng chục di dân Việt Nam được Bỉ cứu ngoài khơi khi đang cố vượt biên sang Anh

Nhà chức trách Bỉ vừa giải cứu 49 di dân gặp nạn ngoài khơi khi họ đang cố vượt biển sang Anh, các di dân này đa số là người Việt Nam, theo thông cáo từ văn phòng công tố thành phố Bruges được hãng tin AFP trích dẫn hôm 19/5.

Thông cáo cho biết: “Con tàu nhỏ chở những người tị nạn đã gặp sự cố ngoài khơi phía Tây của Bỉ và “không ai trong số họ gặp vấn đề nghiêm trọng nào về thể chất”.

#UPDATE Belgian authorities on Wednesday rescued 49 mainly Vietnamese migrants who were attempting a sea crossing to Britain, apparently from France, the Bruges prosecutor’s office said pic.twitter.com/CVGgzRtpvh— AFP News Agency (@AFP) May 19, 2021

Cảnh sát biển của Bỉ đã chú ý đến con tàu vào sáng 19/5. Một máy bay trực thăng đã được điều đi theo dõi con tàu trong khi lực lượng cứu hộ tiếp cận để giải cứu những người trên tàu trong lúc con tàu đang trong tình trạng trôi dạt.

Những người di cư đã được đưa vào bờ và giao cho cảnh sát ở Zeebrugge.

Cảnh sát Bỉ cho biết sẽ mở một cuộc điều tra về tổ chức buôn người đã gây ra sự việc này.

Văn phòng công tố Bỉ cho biết: “Dựa trên những phát hiện ban đầu, người ta nghi ngờ rằng con tàu khởi hành từ bờ biển Pháp, nhưng cuộc điều tra sẽ xác nhận điều này sau”.

Theo AFP, di dân Việt Nam nằm trong số rất nhiều người tị nạn đang lưu trú ở các trại tại Grande-Synthe trên bờ biển phía bắc nước Pháp, và những người này cố gắng tìm cách vượt biên sang Anh. Theo tòa thị chính Grande-Synthe, có khoảng 100 người Việt Nam đã được đưa ra khỏi các trại để vào các nhà tạm trú vào ngày 6/5.

Tin cũng cho biết các di dân Việt đưa đến Pháp qua các mạng lưới buôn người. Họ bắt đầu bay từ Việt Nam sang Moscow, Nga, và sau đó được vận chuyển sang châu Âu.

Yann Manzi từ tổ chức phi chính phủ Utopia, nơi chuyên giúp đỡ di dân, cho biết các di dân Việt Nam thường đi tách biệt với các nhóm di dân khác. Nhưng giờ họ ngày càng bị trộn lẫn vào với những nhóm dân từ châu Phi và các nước châu Á khác để chờ có chỗ trên tàu hoặc có cơ hội để nhảy lén vào thùng xe tải để tới điểm đến.

Chặng cuối của hành trình là vượt biển đến miền nam nước Anh trên xuồng hoặc trên xe tải, được chở bằng phà hoặc thông qua đường hầm Channel, được xem là chặng nguy hiểm nhất.

Vào tháng 10 năm 2019, 39 di dân Việt Nam đã được phát hiện chết ngạt trong một chiếc xe tải ở khu công nghiệp Grays, phía đông London, Anh. Điều tra cho thấy các di dân đã được đón ở miền bắc nước Pháp và quá cảnh qua cảng Zeebrugge của Bỉ.

Tin trong nước sáng 21/5: Thêm 24 ca COVID-19

Thêm 24 ca COVID-19

VnExpress – Bộ Y tế sáng 21/5 ghi nhận 24 ca dương tính COVID-19 tại Bắc Giang 15, Điện Biên 6, Hải Dương 2, Bắc Ninh một.

24 ca mới được ghi nhận từ số 4810-4833, nâng tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 1.786, ghi nhận ở 30 tỉnh thành.

Số ca nhiễm mới sáng nay nâng tổng ca nhiễm ở Bắc Giang lên 683, Bắc Ninh 378, Điện Biên 48, Hải Dương 23, Vĩnh Phúc 89…

Tại Bắc Ninh: Ca 4810, nữ, 33 tuổi, địa chỉ thành phố Bắc Ninh, là F1 của ca 4518, đã được cách ly từ trước đó. Kết quả xét nghiệm ngày 18/5 dương tính với nCoV, bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện dã chiến Tiên Du.

Tại Điện Biên: Ca 4811-4812 và 4815-4818, là các trường hợp F1, đã được cách ly từ trước, kết quả xét nghiệm ngày 19-20/5 dương tính với nCoV.

Tại Hải Dương: Ca 4813, nữ, 64 tuổi, là F1 của ca 4706, và ca 4814, nữ, 37 tuổi, là F1 của ca 4707, đều địa chỉ tại thành phố Hải Dương. Kết quả xét nghiệm ngày 20/5 họ dương tính với nCoV, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hải Dương.

Tại Bắc Giang: Ca 4819-4833 là 13 ca liên quan dịch tễ đến các trường hợp mắc trước đó tại Khu công nghiệp Quang Châu và 2 ca trong vùng phong tỏa, kết quả xét nghiệm ngày 19-20/5 dương tính với nCoV.

Đến nay, tổng số ca mắc Covid-19 ở nước ta là 4.833 ca trong đó 3.355 ca ghi nhận trong nước và 1.478 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-4 đến nay là 1.785 ca. Số ca bệnh đã điều trị khỏi: 2.689 ca. Số ca tử vong: 39.

Thí điểm cách ly F1 tại nhà

VnExpress – Phó thủ tướng đề nghị tỉnh Bắc Ninh “mạnh dạn tính đến tình huống có nhiều người bị nhiễm”, khu cách ly tập trung không đáp ứng đủ thì “thí điểm cách ly F1 tại nhà”.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu đề nghị trên tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, với hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, chiều 20/5. Ông lưu ý việc thí điểm áp dụng trước mắt ở quy mô nhỏ, với các gia đình có điều kiện về nhà cửa, đảm bảo khoảng cách với xung quanh. Người tiếp xúc gần ca dương tính (F1) sẽ được cách ly tại nhà, kết hợp giám sát bằng công nghệ và hàng xóm, người dân xung quanh.

Ông cũng yêu cầu Bắc Ninh thí điểm hướng dẫn công nhân tự lấy mẫu xét nghiệm, có giám sát của cán bộ y tế, để thực hiện xét nghiệm nhanh. Bắc Ninh đã có 8 huyện, thành phố xuất hiện ca Covid-19 nên những nơi giãn cách xã hội cần khai báo y tế bắt buộc. “Nếu có thể thì khai báo y tế toàn tỉnh”, ông nói.

Cho rằng chưa địa phương nào có kinh nghiệm chống dịch liên quan các khu công nghiệp lớn, hàng trăm nghìn công nhân, ông Đam nhấn mạnh “đây là lúc phát huy tinh thần sáng tạo”. Ông đề nghị tỉnh Bắc Giang chuẩn bị các khu cách ly có camera giám sát, do Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ, “để khi có nhiều người nhiễm thì thu dung những người khỏe mạnh, chưa có triệu chứng, nhằm theo dõi, sẵn sàng chuyển đến khu điều trị nếu bị nặng”.

Tại cuộc họp, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang cho biết sau khi đóng cửa 4 khu công nghiệp, giãn cách xã hội 4 huyện và TP Bắc Giang, “tỉnh đã quản lý được toàn bộ công nhân liên quan đến ổ dịch, gồm người cách ly tập trung và tại nhà”. Địa phương đang tập trung phòng chống dịch lây nhiễm cộng đồng. Ông Dương cho biết, có hai nguồn ở Bắc Giang là từ khu công nghiệp và liên quan ổ dịch Thuận Thành (Bắc Ninh).

Năng lực xét nghiệm của Bắc Giang đã đạt 100.000 mẫu gộp mỗi ngày, đáp ứng được yêu cầu chống dịch hiện tại. “Bắt đầu từ ngày mai sẽ không còn mẫu tồn, trả được kết quả xét nghiệm trong ngày. Vấn đề thiếu sinh phẩm xét nghiệm cũng đã được giải quyết”, ông Dương khẳng định.

Tỉnh đưa vào vận hành 8 bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 với 1.280 giường. Ngày mai, 21/5, sẽ có thêm một bệnh viện dã chiến 300 giường hoạt động. Một bệnh viện khác 600 giường đang được chuẩn bị để điều trị bệnh nhân nhẹ.

Bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh, cho biết trong số các ca nhiễm, đáng chủ ý có 6 ca trong khu công nghiệp của Samsung, Canon… Tỉnh đã tăng cường các loại xét nghiệm, trong đó có phương pháp gộp 20 mẫu. “Tỉnh có nửa triệu công nhân trong khu công nghiệp, nếu xét nghiệm sàng lọc theo hướng dẫn hiện nay thì chưa đáp ứng được yêu cầu”, bà Giang nói. Bắc Ninh cũng chuẩn bị hai bệnh viện dã chiến, bố trí thêm các giường điều trị bệnh nhân nặng; tập trung xét nghiệm nhóm nguy cơ cao. “Chúng tôi quyết tâm để các khu công nghiệp không phải ngừng hoạt động”, lãnh đạo tỉnh nói.

Bắc Ninh đang phối hợp với Bắc Giang lập phương án đảm bảo hoạt động, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn, đa quốc gia như Samsung (Bắc Giang có 13 cơ sở sản xuất linh kiện cho của Samsung)…

Thực khách tá hỏa khai báo khi chủ quán nhiễm Covid-19

Thanhnien – Nghe thông tin chủ quán bánh canh cá lóc O Thanh hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu (Q.3, TP.HCM) – hẻm ‘ẩm thực’ nổi tiếng – cùng 2 người con nhiễm Covid-19, cả con hẻm bị phong tỏa, nhiều thực khách tá hỏa đi khai báo y tế.

Sáng 20/5, hẻm 287 đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3, TP.HCM) bị phong tỏa vì có ca nhiễm Covid-19 là chủ quán bánh canh cá lóc O Thanh và 2 người con trong gia đình. 

Nghe tin con hẻm bị phong tỏa, nhiều người buôn bán gần đó, khách tới ăn và cả shipper “quen mặt” ở con hẻm không khỏi bàng hoàng, lo lắng. Nhiều dân văn phòng gần bên cũng bàn tán xôn xao, nhớ lại lịch trình xem ngày gần nhất ghé hẻm ăn là khi nào, có tiếp xúc với những ai…

Theo ghi nhận, khoảng 9 giờ sáng, rất đông nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ, công an có mặt bên trong con hẻm 287 Nguyễn Đình Chiểu, hàng rào thép gai được xếp chặn cả 2 đầu, những người đang ở bên trong không thể ra ngoài, tập trung chờ lấy mẫu xét nghiệm. 

Khoảng 12 giờ, một người phụ nữ trẻ tuổi đang định chạy xe vào hẻm ẩm thực thì được lực lượng chức năng thông tin về chủ quán ăn nghi nhiễm Covid-19. Khi được hỏi: “Cô có ăn ở quán bánh canh đó không? Nếu có thì lên phường khai báo y tế”, người này bất ngờ đáp: “Tôi mới ăn ở đó mấy ngày trước”. Dứt câu, người này lập tức rời đi.

Anh T. (làm việc tại Q.3) khi nghe tin chủ quán bánh canh O Thanh trong hẻm ẩm thực nghi nhiễm Covid-19 cũng hốt hoảng ngồi vạch lại lịch trình, xem lần gần nhất ghé quán là khi nào để đi khai báo y tế. 

Đến giữa trưa, bà Lê Thị Kim Ngọc (50 tuổi, đối diện hẻm ẩm thực) cũng thấp thỏm đi ra đi vào cùng những người gần đó. Bà Ngọc cho biết, bà bán cà phê xa quán ăn của người chủ nhiễm Covid-19, nhưng người phụ quán lại sống gần nhà của bà nên bà cũng lo không biết chuyện gì xảy ra.

“Người phụ quán đã được lấy mẫu xét nghiệm rồi. Mong cho nó âm tính, chứ lỡ mà mắc chắc phong tỏa con hẻm tôi ở luôn quá. Bây giờ ở đâu cũng thấy dịch bệnh, tôi bán cà phê mấy nay cũng ế lắm”, bà Ngọc tâm sự.

NÓNG: TP.HCM phát hiện ca dương tính lần 1 ở Gò Vấp

Tuoitre – TP.HCM vừa ghi nhận thêm 1 ca dương tính lần 1 với COVID-19 ở phường 8, quận Gò Vấp. Thông tin này vừa được các cơ quan chức năng TP.HCM xác nhận và cho biết đang trong quá trình xác minh.

Chiều 20/5, Sở Y tế TP.HCM cho biết vừa phát hiện thêm 1 ca dương tính lần 1 tại P.8 (Q.Gò Vấp). Các cơ quan chức năng đang vào cuộc khoanh vùng, truy vết, cách ly, khử khuẩn. 

TS.BS Nguyễn Trung Hòa – giám đốc Trung tâm Y tế Q.Gò Vấp – cho biết đơn vị nhận được thông báo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) về trường hợp này.

Ông Hòa chưa thông tin cụ thể về bệnh nhân, đồng thời chưa khẳng định liệu ca này có liên quan đến 3 ca dương tính với COVID-19 cùng một gia đình trên đường Nguyễn Đình Chiểu (P.5, Q.3) vừa được phát hiện trong ngày hay không.

Tối 20-5, lực lượng chức năng P.8, Q.Gò Vấp cử nhiều lực lượng như công an, trật tự đô thị, dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố có mặt tại hẻm 954 Quang Trung để khoanh vùng do liên quan ca nhiễm COVID-19 tại đây. 

Lực lượng chức năng dựng rào chắn, dựng bảng “Khu vực cách ly tạm thời”. Người dân cũng không được ra vào khu vực hẻm này. Nhiều nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trong hẻm.

Xuất hiện phong trào đi Mỹ tiêm vaccine

Thesaigontimes – Gần đây, Thái Lan đã xuất hiện trào lưu đi du lịch Mỹ để tiêm vắc xin,  xu hướng này cũng bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam.

Tạp chí Kinh Tế Sài Gòn ngày 20/5 nhắc tới Công ty du lịch Hồng Ngọc Hà ở quận 1, TP.HCM, là doanh nghiệp tung ra chương trình du lịch sang Mỹ kết hợp với tiêm vaccine.

Tờ báo dẫn lời ông Lê Văn Trí, Trưởng phòng truyền thông của công ty, nói rằng chỉ vài ngày sau khi quảng cáo tua đi Mỹ tiêm vaccine ngừa Covid-19, Công ty Du lịch Hồng Ngọc Hà đã nhận cả trăm cuộc điện thoại hỏi thông tin về các tua này. Theo dự kiến, những khách hàng đầu tiên sẽ lên đường vào khoảng cuối tháng Sáu hoặc đầu tháng Bảy năm nay.

Hoa Kỳ là điểm đến ưa chuộng cho ngành “du lịch vaccine”, vì nước này dư thừa vaccine và có sự chọn lựa với những vaccine được chứng minh có hiệu quả như Pfizer và Moderna, cũng như Johnson & Johnson.

Chủ đầu tư nói sử dụng lao động TQ không phép tại dự án điện gió vì… áp lực tiến độ

Tuoitre – Liên quan đến các dự án điện gió tại Đắk Lắk sử dụng lao động Trung Quốc không phép, mới đây chủ đầu tư  thừa nhận việc đưa lao động Trung Quốc vào Việt Nam trong khi chưa có giấy phép lao động là trái quy định, nhưng do… áp lực tiến độ nên chấp nhận làm sai.

Cụ thể, theo Tuổi Trẻ,  trong buổi làm việc với Sở Lao động – thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Đắk Lắk hôm 20/5 đại diện các nhà thầu 4  dự án điện gió cho biết, trước khi đưa người nước ngoài vào làm việc đã tìm hiểu nhưng do không biết ngôn ngữ, không có nhân lực am hiểu pháp luật Việt Nam nên sai sót. 

Ngoài ra, các nhà thầu nói rằng do áp lực phải bàn giao dự án trước 31-10-2021 cho chủ đầu tư nên mới sai phạm. Nếu tỉnh không cho “vừa làm vừa khắc phục” thì tiến độ dự án chắc chắn sẽ bị chậm. 

Tin cũng cho biết sau buổi làm việc, nhà chức trách hướng dẫn cho các doanh nghiệp thực hiện các thủ tục để được cấp phép. Các nhà đầu tư phải cam kết thực hiện hoàn thành các thủ tục, không tái vi phạm.

Cán bộ thanh tra trộm giấy quyền sử dụng đất mang đi cầm cố

Ngày 20/5, theo nguồn tin Thanh Niên, Công an H.Phú Tân (Cà Mau) đang điều tra vụ cán bộ thanh tra trộm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang đi cầm cố.

Theo thông tin ban đầu, lợi dụng lúc cán bộ phụ trách bộ phận một cửa của Văn phòng UBND và HĐND H.Phú Tân đi học nghị quyết, ông T.N.L, cán bộ thanh tra huyện này, đã lấy trộm 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Hồ Thị Tố Mai và ông Nguyễn Văn Đồi.Để hợp thức hóa việc cầm cố, ông L. đã làm giả biên nhận bà Mai bán đất và làm giả giấy ủy quyền do bà Mai ủy quyền cho mình. Trên giấy ủy quyền, ông L. tự ý ký tên Chủ tịch UBND TT.

Cái Đôi Vàm (H.Phú Tân) và đóng dấu Thanh tra H.Phú Tân, sau đó mang đến tiệm vàng ở TT.Cái Đôi Vàm cầm lấy 100 triệu đồng để trả nợ.Khi phát hiện bà Mai là người quen, ông L. tiếp tục làm giả giấy ủy quyền của ông Đồi, mang đến tiệm vàng trên để đổi lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Mai ra.

Vụ việc được phát giác khi cán bộ của bộ phận một cửa phát hiện bị mất 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên. Làm việc với cơ quan công an, ông L. đã thừa nhận việc lấy trộm nêu trên.

Tài xế gặp em bé 2 tuổi lang thang lúc 1h sáng: ‘Tôi không sợ cướp, lương tâm không cho phép bỏ qua’

Vietnamnet – Mới đây, một đoạn clip gần 4 phút ghi lại hình ảnh tài xế bắt gặp em bé 2 tuổi lang thang một mình trong đêm khuya khiến cư dân mạng kinh ngạc.

Tối 18/5, camera hành trình xe ô tô của anh Nguyễn Xuân Trường ghi lại được hình ảnh khiến cư dân mạng “sốc”, đó là hình ảnh em bé nhỏ tầm 2 tuổi đi lang thang một mình giữa đêm tối lúc 1h sáng. 

Qua tìm hiểu được biết, vụ việc xảy ra tại thôn Chánh Thiện, xã Cát Thành, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Khi xảy ra vụ việc chỉ có mình anh Trường trong xe. Sau tầm 20 phút anh Trường đi gọi cửa những nhà dân quanh đó, đã có người dân mở cửa và nhận ra em bé là con của ai, sau đó bố mẹ em bé đã tới nhận con.

Anh Trường cho biết: “May mắn là em bé không bị làm sao, đường đêm lúc đó rất vắng. Bố mẹ cháu vì đi làm cả ngày mệt quá về ngủ quên không đóng cửa nên cháu bé đã dậy và đi chơi một mình”.

“Lúc đầu tôi không dám bế em bé ngay vì quá bất ngờ. Nhà tôi cũng có con nhỏ nên tôi không hề sợ bị bẫy, bị cướp gì hết, lương tâm của tôi không có cho phép mình bỏ qua một em nhỏ đang lang thang giữa đường một mình như vậy. Tôi không sợ bị cướp bởi nếu có tôi sẽ bỏ của chạy ngay, tài sản của mình để đó thì sau quay lại lấy vì mọi việc đều có pháp luật lo rồi” – anh Trường chia sẻ thêm.

Mặc dù có đặt tình huống lo ngại dàn cảnh cướp tài sản nhưng cư dân mạng ai nấy đều cảm kích hành động của tài xế Trường:

“Tình huống này tốt nhất không bế, giữ khoảng cách bảo đảm an toàn cho bé, nên bấm còi, gọi um xóm lên. Cảm ơn bác tài xế nhiều ạ”;

“Có camera hành trình và bác tài cũng tỉnh không vội bế cháu bé. Nó gài bắt cóc lại mệt”;

“Cảm ơn bác tài đã không bỏ đi, và trong tình huống oái oăm như vậy nhưng vẫn xử lý tỉnh táo. Chúc bác tài vạn dặm bình an!”;

Bên cạnh đó, rất nhiều người trách bố mẹ cháu bé đã để xảy ra cảnh con nhỏ lang thang ngoài đường giữa đêm:

“Không hiểu bố mẹ trông con kiểu gì mà để con đêm khuya một mình ra đường”.

Được biết, anh Nguyễn Xuân Trường làm nghề cho thuê xe dịch vụ ở Bình Định. Khi giao con cho bố mẹ cháu bé anh cũng không chụp lại tấm ảnh nào, anh chỉ trích xuất hình ảnh từ camera hành trình của xe, chia sẻ lên mạng xã hội câu chuyện của mình cho anh em tài xế biết về tình huống gặp phải khi tham gia giao thông mà thôi.

Mong rằng qua tình huống này, các bậc phụ huynh dù đi làm có mệt tới đâu cũng nên lưu tâm trông con nhỏ cẩn thận, bởi không phải lúc nào cũng gặp may mắn như cháu bé ở Bình Định này.

Tin VN: Thêm 73 ca COVID-19

Chiều nay, 22/5, Bộ Y tế thông báo 73 ca mắc Covid-19 mới do lây nhiễm trong nước, riêng Bắc Giang 39 ca và Bắc Ninh 25 ca. 3 ca tại Bắc Ninh chưa rõ nguồn lây. Theo Tiểu ban Điều trị, hiện có hơn 2.000 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại 75 cơ sở y tế cả nước. Trong số này, có 50 bệnh nhân tiên lượng rất nặng.

Theo thông báo của Bộ Y tế chiều nay (22/5), 73 ca mắc Covid-19 ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (39 ca), Bắc Ninh (25 ca), Lạng Sơn (2 ca), Điện Biên (2 ca), Thanh Hóa (2 ca), Đà Nẵng (1 ca), Hải Dương (1 ca), và Thái Nguyên (1 ca).73 ca mắc mới là các bệnh nhân Covid-19 thứ 5.014 – 5.086 tại Việt Nam. Riêng 3 ca là công nhân Khu công nghiệp Quang Châu (tỉnh Bắc Giang) và 3 ca sàng lọc, 1 ca chưa rõ nguồn lây.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, hội chẩn các bệnh nhân hôm qua (21/5) cho VnExpress biết, chỉ trong gần một tháng kể từ ngày 27/4, Việt Nam ghi nhận tới 2.000 ca Covid-19, tương đương số lượng bệnh nhân cả năm ngoái cộng lại. Đặc biệt, số lượng bệnh nhân nặng trong đợt dịch này khá cao.

Theo Tiểu ban Điều trị, đến sáng 22/5, hơn 2.000 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại 75 cơ sở y tế cả nước. Trong số này, có 50 bệnh nhân tiên rất lượng nặng, 26 bệnh nhân phải thở máy và 4 ca can thiệp ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể) gồm 2 ở Hà Nội, một TP HCM, một ở Bắc Ninh.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đang điều trị cho hơn 400 bệnh nhân, trong đó 32 ca tiên lượng rất nặng. Về tình trạng lâm sàng, 23 người phải thở máy, 2 ca ECMO.

Như vậy, trong ngày 22/5, Việt Nam ghi nhận thêm 145 ca, trong đó 2 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội và 143 ca ghi nhận trong nước.

73 ca mới tối nay được ghi nhận từ số 5014-5086, nâng tổng số ca nhiễm trong nước tính từ ngày 27/5 đến nay lên 2036. Số ca nhiễm mới cũng đưa tổng số ca nhiễm ở điểm nóng Bắc Giang lên 851, Bắc Ninh 419, Lạng Sơn 26, Điện Biên 52, Thanh Hóa 2, Đà Nẵng 150, Hải Dương 30.

Tin trong nước sáng 25/5: Báo động lây lan dịch COVID-19

Thêm 57 ca COVID-19

VnExpress – Bộ Y tế sáng 25/5 ghi nhận 57 ca dương tính trong nước, gồm tại Bắc Giang 45, Bắc Ninh 2, Hà Nội 4, Lạng Sơn 4 và Hà Nam 2.

Số ca nhiễm mới nâng tổng số ca nhiễm tại Bắc Giang lên 1069, Bắc Ninh 507, Hà Nội 308 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 89 ca, 48 ca ở Bệnh viện K), Lạng Sơn 41, Hà Nam 36.

Số ca mắc cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 2.406 ca, ở 30 tỉnh thành. Có 6 tỉnh gồm Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới. Số lượng xét nghiệm từ 29/4 đến nay đã thực hiện 890.454 xét nghiệm cho 1.629.867 lượt người.

Báo động lây lan dịch khu công nghiệp, Thủ tướng ra công điện khẩn

Tuoitre – Kiên quyết dừng hoạt động các nhà máy, xí nghiệp không đảm bảo an toàn, bắt buộc khai báo y tế với tất cả người lao động, xử phạt nghiêm trường hợp không khai báo.

Tối 24/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện về việc đảm bảo an toàn COVID-19 trong các khu công nghiệp, trước bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, lây lan nguy hiểm hơn trong cộng đồng, đặc biệt là các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang, có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn.

Với 70.000 nhà máy và trên 300 khu công nghiệp đang hoạt động, Thủ tướng nhận định nguy cơ dịch bùng phát là rất lớn nên để tập trung phòng, chống, dập dịch hiệu quả, cần có phương án đảm bảo hoạt động, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, nhất là các tập đoàn lớn, đa quốc gia, ảnh hưởng kinh tế địa phương và cả nước, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác, thực hiện nghiêm về phòng, chống dịch.

Chủ tịch các tỉnh, thành phố, bộ trưởng Bộ Công thương, bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư chỉ đạo các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp phải thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, tự đánh giá mức độ an toàn, cập nhật lên bản đồ an toàn COVID-19. Kiên quyết dừng hoạt động khi không đảm bảo an toàn và không cập nhật mức độ an toàn lên hệ thống.

Chủ tịch tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm việc khai báo y tế bắt buộc với tất cả người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, những người liên quan như người cung cấp, vận chuyển vật tư, hàng hóa, suất ăn… Xử phạt nghiêm các trường hợp không khai báo, khai báo không trung thực.

Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn việc cách ly, xét nghiệm đối với người lao động trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp phù hợp với đặc điểm từng khu vực, diễn biến tình hình dịch bệnh để nếu có tình huống dịch xâm nhập, có thể duy trì hoặc sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép.

Còn trong thông báo kết luận cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì ngày 24-5 vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành, đã yêu cầu tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang chủ động, sáng tạo trong tổ chức, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp.

Tỉnh thực hiện phân loại các trường hợp F1 để thực hiện cách ly, xét nghiệm phù hợp. Có kế hoạch đưa từng phần, từng bộ phận của nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp trở lại hoạt động an toàn, sớm nhất; đặc biệt là các doanh nghiệp trong các chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn.

Bộ Y tế sớm hướng dẫn cách ly y tế linh hoạt, thí điểm việc tổ chức đi làm trở lại theo từng vùng, từng ca, từng phân xưởng, dây chuyền sản xuất. Các địa phương thành lập “Tổ thông tin đáp ứng nhanh” để tiến hành tổng hợp các cách thức ứng phó dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp, xây dựng nền tảng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phòng, chống dịch COVID-19.

Trước diễn biến phức tạp của COVID-19, Hà Nội ra công điện khẩn

VnExpress – Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid 19, thành phố yêu cầu nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ, cửa hàng cắt tóc, gội đầu, tạm dừng hoạt động từ 12h ngày 25/5.

Đây là một trong những nội dung của công điện số 11, được Chủ tịch TP. Chu Ngọc Anh ban hành tối 24/5.

Các cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ phải tạm dừng hoạt động hoặc chỉ cho phép bán hàng mang về. Lãnh đạo thành phố cũng nhắc lại chủ trương “dừng triệt để hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng”.

Sở Du lịch Hà Nội rà soát các khu cách ly tập trung tại khách sạn và cơ sở lưu trú, dừng việc tiếp nhận đối với các cơ sở không đủ điều kiện; hạn chế và tiến tới dừng hoạt động cách ly y tế tại khách sạn và cơ sở lưu trú trong các quận nội đô.

Người dân từ các tỉnh, thành khác trở về Hà Nội từ ngày 25/5, thực hiện khai báo y tế trong vòng 24 giờ kể từ lúc có mặt tại Hà Nội. Trường hợp về Hà Nội từ 10/5 đến ngày 24/5 phải khai báo y tế, hoàn thành chậm nhất trong ngày 25/5/2021.

Hà Nội đề nghị Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn T&T và các tổ chức, doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm nCoV cho người lao động, cư dân trong khu vực trụ sở và các dự án do doanh nghiệp đầu tư, quản lý trên địa bàn.

Đề xuất trên được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện chùm ca bệnh mới tại Công ty cổ phần tập đoàn T&T và Park 11 Times City. Chùm ca bệnh này tính đến chiều 24/5 có 17 F0 và được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP Hà Nội đánh giá “rất phức tạp, có nhiều ca mắc và liên quan tới các địa điểm rất nhiều người làm việc, sinh sống”.

Tính đến 16h ngày 24/5, Hà Nội ghi nhận 122 ca lây nhiễm cộng đồng tại 19 quận, huyện. Bên cạnh đó, có hơn 200 ca bệnh tại hai bệnh viện trung ương trên địa bàn (trong đó Bệnh viện Nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh 106 ca; Bệnh viện K cơ sở Tân Triều 96 ca).

Phong tỏa Bộ TN-MT do có cán bộ nghi nhiễm COVID-19

Thanhnien – Bộ TN-MT đang phải tạm thời phong toả và yêu cầu tất cả mọi người không ra khỏi cơ quan, hạn chế tiếp xúc cho đến khi có kết quả xét nghiệm của một cán bộ nghi nhiễm Covid-19 sau khi đi đám hiếu ở Bắc Giang.

Thông tin từ Bộ TN-MT cho biết, trong ngày 24/5, một cán bộ làm việc tại Tổng cục Quản lý đất đai khi đến trụ sở làm việc thì có các biểu hiện sốt nhẹ, đau họng. Trước đó, ngày 6/5, người này đã đi đám hiếu ở tỉnh Bắc Giang.

Bộ TN-MT đã nhanh chóng cách ly cán bộ nghi nhiễm Covid-19, đồng thời xác định các trường hợp tiếp xúc gần với người này, yêu cầu toàn bộ các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không ra khỏi cơ quan, hạn chế tiếp xúc và thực hiện biện pháp y tế theo quy định.

Trung tâm Y tế dự phòng Q.Nam Từ Liêm đã cử cán bộ đến khử khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm đồng thời đưa người nghi nhiễm đi cách ly theo quy định.

Hà Nội tìm người đến siêu thị Big C Thăng Long

VnExpress – Lực lượng chức năng phun khử khuẩn, trích xuất camera siêu thị Big C Thăng Long (quận Cầu Giấy) để tìm người tiếp xúc với ca nghi mắc Covid-19.

Đêm 24/5, bà Đỗ Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm y tế quận Cầu Giấy, thông tin, việc tạm dừng hoạt động siêu thị Big C do có một ca nghi mắc từng đến đây mua sắm ngày 22/5.

“Chúng tôi cùng với ban quản lý siêu thị trích xuất camera để điều tra dịch tễ, truy vết. Siêu thị không bị phong tỏa”, bà Hà nói.

Ca nghi mắc Covidd-19 là nam, 31 tuổi, trú tại chung cư Gelexia Riverside (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai). Anh làm cùng tầng với “bệnh nhân 5234” ở công ty T&T số 2A Phạm Sư Mạnh quận Hoàn Kiếm.

Ngày 22/5, anh này đi mua sắm tại siêu thị Big C Thăng Long từ 15h đến 17h30, có đeo khẩu trang. Hôm sau anh được lấy mẫu xét nghiệm, ngày 24/5, CDC thông báo kết quả dương tính với nCoV. Tuy nhiên, trường hợp này chưa được Bộ Y tế công bố nên coi là ca nghi mắc.

Bác thông tin người Ấn Độ ngất ở siêu thị Big C Thăng Long

Trao đổi vớiZing tối 24/5, bà Đỗ Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết bệnh nhân từng đến siêu thị Big C Thăng Long là T.T.Đ. (trú tại toà CT1, chung cư Gelexia Riverside, quận Hoàng Mai). Người này làm cùng phòng với BN5243 (nhân viên của Công ty T&T).

Giám đốc Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy cũng khẳng định không có chuyện phong tỏa, siêu thị chỉ tạm dừng hoạt động để phun khử khuẩn và trích xuất camera. Lúc 23h30 tối 24/5, công tác phun khử khuẩn vẫn được thực hiện.

Về thông tin “người đàn ông Ấn Độ ngất, nôn ra máu trong siêu thị” được lan truyền trên mạng xã hội, bà Hà khẳng định đây là thông tin thất thiệt, không chính xác.

Bắc Ninh yêu cầu người dân không ra đường sau 20h

VnExpress – Các huyện Quế Võ, Yên Phong, Thuận Thành và TP. Bắc Ninh yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết và không ra đường sau 20h.

Ông Vương Quốc Tuấn, Phó chủ tịch tỉnh Bắc Ninh, chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện đề nghị trên từ ngày 24/5, nhằm giảm thiểu tối đa lây lan dịch bệnh.

Người dân chỉ ra đường trong các trường hợp cần thiết như, thực hiện công vụ, đưa người đi cấp cứu, đi làm ca đêm, đi làm về và phải có giấy xác nhận của cơ quan, doanh nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các huyện Quế Võ, Yên Phong, Thuận Thành và TP Bắc Ninh thực hiện nghiêm việc “gia đình cách ly với gia đình; thôn xóm cách ly với thôn xóm”.

Đến tối 24/5, Bắc Ninh ghi nhận 505 ca trên tổng số 2.349 ca nhiễm trong cộng đồng ở cả nước tính từ ngày 27/4; trong đó riêng hôm nay ghi nhận thêm 31 ca nhiễm, chủ yếu ở trong các địa phương đang thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị 16.

Hiện nay Bắc Ninh cách ly xã hội TP. Bắc Ninh, huyện Quế Võ, Yên Phong và Thuận Thành; thị xã Từ Sơn, huyện Lương Tài, Tiên Du giãn cách theo chỉ thị 15.

Người Huế đổ ra sông Hương tắm

VnExpress – Nhiều người dân ở TP. Huế đổ ra sông Hương tắm giải nhiệt bất chấp lệnh cấm tập trung đông người của chính quyền.

Khoảng 16h30 ngày 24/5, đoạn sông Hương chảy qua Bến Me, gần cầu Dã Viên có hàng chục người dân nô đùa dưới sông Hương. Nhiều người dân chở theo con nhỏ mang theo áo phao, can nhựa, lốp xe xuống tắm.

Anh Lê Văn Quang, 37 tuổi, ở phường Tây Lộc cho biết, mấy hôm nay trời nắng nóng nên chiều tối anh dẫn con trai 6 tuổi ra sông Hương tắm giải nhiệt. Ngày nào, khu vực này cũng có hơn trăm người tắm. “Biết là có lệnh cấm tập trung đông người, song thói quen tắm sông Hương lúc trời nắng nóng không bỏ được. Tôi cũng không thấy lực lượng chức năng nhắc nhở gì”, anh Quang nói.

Cách bãi tắm ở Bến Me gần một km, khu vực công viên ở phường Kim Long cũng có hàng trăm người xuống sông Hương tắm. Nhiều người mang theo con nhỏ vui đùa giữa dòng nước. Trên con đường đi bộ dọc sông Hương mới hoàn thành, nhiều người dân cũng tập trung đạp xe, tập thể dục.

Sau 17h, khi trời tắt nắng, người dân đổ ra sông Hương càng đông. Nhiều nhóm thanh niên mặc áo phao, chèo thuyền sup ra giữa sông rồi nhảy xuống tắm. Ở gần bờ, nhiều em nhỏ được bố mẹ hướng dẫn tập bơi.

Trong đợt dịch thứ tư, Thừa Thiên Huế ghi nhận 5 ca Covid-19 cộng đồng. Địa phương liền kề là Đà Nẵng ghi nhận 152 ca, Quảng Trị 3 ca.

TP.HCM: Chìm tàu cao tốc trên sông Nhà Bè, 5 người vừa bơi vừa thổi còi kêu cứu

Thanhnien – Khoảng 19 giờ 20 phút ngày 24/5, các viên chức Cảng vụ Hàng hải TP.HCM đang trực ở bến tàu công vụ tại khu vực Q.7, TP.HCM bất ngờ nghe thấy tiếng còi và tiếng kêu cứu trên khu vực sông Nhà Bè.

Nhận định có người gặp nạn, ông Lê Đặng Minh Hiếu và ông Nguyễn Văn Hiếu (viên chức của tổ ca nô) sử dụng ca nô của đơn vị tách bến ra sông tìm kiếm. Sau đó, tổ tìm kiếm đã phát hiện và cứu vớt được 5 người mặc áo phao đang bơi trên sông Nhà Bè và đưa về bến tàu của cảng vụ.

Cảng vụ Hàng hải TP.HCM cho biết phương tiện bị nạn là tàu cao tốc thủy nội địa, kết cấu bằng vật liệu composite do Công ty TNHH MTV Du lịch Sông xanh (Q.Tân Bình, TP.HCM) đăng ký chủ sở hữu.

Theo kết quả xác minh ban đầu, khoảng 18 giờ 45 phút, tàu rời bến ca nô sân golf Đại Phước (Đồng Nai) về bến Cù Lao Xanh (Q.7, TP.HCM), khi qua khu vực sông Nhà Bè thì va chạm với quả phao buộc tàu phía hạ lưu thuộc bến phao Phước Long 5.

Vụ tai nạn khiến tàu bị chìm ngay sau đó, thuyền trưởng và 4 hành khách mặc áo phao nhảy xuống sông và bơi về phía bến tàu công vụ, vừa bơi vừa thổi còi và kêu cứu rồi được lực lượng chức năng phát hiện và cứu nạn kịp thời.

Không công bố chi tiết lịch trình bệnh nhân COVID-19

VnExpress – Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị trực thuộc, không công bố danh tính, chi tiết lịch trình di chuyển và quá trình tiếp xúc của bệnh nhân COVID-19.

Theo yêu cầu của Bộ Y tế hôm 21/5, các đơn vị, địa phương chỉ công bố, khuyến cáo những điểm đến có nguy cơ về dịch tễ (nơi có người dương tính COVID-19), để người dân đã từng đến đây thực hiện ngay biện pháp tự bảo vệ mình và những người xung quanh.

“Các đơn vị chỉ đạo, quán triệt nhân viên y tế thực hiện nghiêm quy định tại Luật Khám chữa bệnh, không được tiết lộ bằng bất cứ hình thức nào thông tin cá nhân (danh tính, tuổi, địa chỉ…) của bệnh nhân mắc Covid-19”, Bộ Y tế nêu rõ và lưu ý các đơn vị cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời, chính xác về diễn biến dịch bệnh, để người dân không chủ quan, nhưng không gây hoang mang, nhất là khi dịch bệnh bùng phát.

Trước đó, ngày 20/5, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản gửi Bộ Y tế, nêu rõ việc công khai danh tính và lịch trình di chuyển của nhiều bệnh nhân COVID-19 gần đây bộc lộ nhiều bất cập.

Những thông tin này được Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) các địa phương công bố, phần nhiều dựa vào khai báo của người bệnh, “khiến cho dư luận, cộng đồng bám theo bình luận, bàn tán, kỳ thị, xâm phạm đời tư, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của người nhiễm bệnh và cuộc sống, sinh hoạt của gia đình họ”.

Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị và địa phương không công bố danh tính, chi tiết lịch trình di chuyển và chi tiết quá trình tiếp xúc của bệnh nhân Covid-19.

Bắc Giang: Thực hiện giãn cách xã hội toàn bộ huyện Yên Thế từ 0h ngày 25/5

Vtv – UBND tỉnh Bắc Giang vừa có quyết định thiết lập vùng cách ly y tế, cách ly xã hội đối với một số khu vực tại các huyện Lục Nam, Việt Yên, Tân Yên, Yên Thế và Hiệp Hoà.

Theo đó, huyện Yên Thế, thực hiện giãn cách xã hội toàn huyện và thiết lập vùng cách ly xã hội đối với toàn bộ 4 xã: Xuân Lương, Canh Nậu, Đồng Tiến, Đồng Vương từ 0h, ngày 25/5.

Thiết lập vùng cách ly y tế đối với một phần thôn Đền Cô, xã Tam Hiệp từ 18h ngày 24/5 và thực hiện giãn cách xã hội toàn bộ xã Tam Hiệp từ 0h, ngày 25/5.

Huyện Lục Nam, thiết lập vùng cách ly y tế đối với:

Thôn Tó, xã Nghĩa Phương bắt đầu từ 23h ngày 22/5.

Trại Ruộng, xã Đông Hưng bắt đầu từ 23h ngày 22/5.

Huyện Việt Yên, thiết lập vùng cách ly y tế đối với một phần thôn Đầu (đoạn từ cổng nhà ông Tạo đến ngã ba nhà ông Quang), xã Tự Lạn từ 14h ngày 19/5.

Huyện Tân Yên, thiết lập vùng cách ly y tế đối với khu dân cư Bồ Đa, thôn Chung, xã Liên Sơn từ 11h30 ngày 24/5.

Huyện Hiệp Hoà, thiết lập vùng cách ly y tế, giãn cách xã hội đối với:

– Một phần thôn Quyết Thắng (Ngõ vào nhà bệnh nhân Nguyễn Phi Hiệp), xã Đồng Tân, huyện Hiệp Hòa và thực hiện giãn cách xã hội tại thôn Quyết Thắng, xã Đồng Tân từ 15h ngày 24/5.

– Thiết lập vùng cách ly y tế tại thôn Thống Nhất, xã Bắc Lý, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang từ 17h, ngày 23/5.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điện đàm, ông Tập nói “TQ coi trọng cao độ quan hệ với Việt Nam”

Baochinhphu – Theo cổng thông tin của Chính phủ, ngày 24/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tại cuộc điện đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết hiện Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam sẽ tiếp tục đoàn kết, phát huy mạnh mẽ nội lực. Trong quá trình này, Việt Nam mong nhận được sự hợp tác từ các nước trên thế giới trong đó có Trung Quốc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, trong đó coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Đồng thời mời ông Tập Cận Bình thăm Việt Nam.

Về phía Trung Quốc, ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc coi trọng cao độ quan hệ với Việt Nam; mong muốn và sẵn sàng nỗ lực cùng Việt Nam tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc phát triển hơn nữa. Ông Tập cũng mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sang thăm Trung Quốc.

Lãnh đạo Trung Quốc còn bày tỏ coi trọng sự quan tâm của Việt Nam đối với các dự án hợp tác song phương, đề nghị các bộ ngành, địa phương hai nước cần tích cực trao đổi, tạo cục diện hợp tác cùng có lợi; kiên trì nhận thức chung cấp cao, tích lũy kinh nghiệm, quản lý bất đồng, tăng cường hợp tác về vấn đề trên biển.”

Cán bộ xã ở Bà Rịa – Vũng Tàu chơi xóc bầu cua ăn tiền tại trụ sở

Vtc – Một đoạn clip lan truyền trên mạng ghi lại cảnh cán bộ xã chơi xóc bầu cua ăn tiền ở trụ sở Ban Chỉ huy quân sự xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Chiều 24/5, trả lời VTC bà Lê Thị Trang Đài, Chủ tịch huyện Xuyên Mộc cho biết đã nắm thông tin ban đầu, tuy nhiên chi tiết vụ việc đang chờ văn bản báo cáo chính thức từ UBND xã Hòa Bình.

Bà Đài nói: “Vụ việc đã được UBND xã Hoà Bình báo cáo khẩn ngày hôm qua, nhưng chưa có văn bản báo cáo chính thức do hôm qua đang bận công việc bầu cử. Hiện tại huyện Xuyên Mộc vẫn chưa nhận được báo cáo chính thức từ UBND xã Hoà Bình, nhưng quan điểm địa phương sẽ xử lý nghiêm vụ việc”.

Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip dài 32 giây quay lại cảnh một nhóm cán bộ xã Hòa Bình chơi xóc bầu cua ăn tiền tại trụ sở Ban Chỉ huy quân sự xã Hòa Bình.

VTC News cho biết hình ảnh người mang áo thun xanh trực tiếp xóc dĩa bầu cua trong clip là ông L.V.Đ., Phó Chỉ huy Ban Chỉ huy quân sự xã Hòa Bình (huyện Xuyên Mộc), người cởi trần cầm xấp tiền ngồi đánh với ông Đ. là ông N.H.T., Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Hoà Bình, cùng khoảng 4-5 người khác đang đặt cược và ngồi xem.

Sau khi đoạn clip được đăng tải đã thu hút nhiều lượt chia sẻ, bình luận của cộng đồng mạng.

Có hay không việc Bộ Lao động – thương binh và xã hội đề xuất mua 93 ô tô?

Tuoitre – Chiều 24/5, lãnh đạo Bộ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội, đã trả lời với báo chí về việc bộ này đề xuất mua 93 ô tô chuyên dùng phục vụ công tác gây xôn xao dư luận những ngày qua.

Bà Nguyễn Thị Hà, thứ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội, cho biết thực hiện quy định của Chính phủ về “quy định, tiêu chuẩn, định mức sử dụng ô tô”, đầu năm 2020 bộ này đã yêu cầu các đơn vị thuộc bộ rà soát, qua đó tổng hợp nhu cầu trang bị, mua sắm ô tô chuyên dụng phục vụ công tác trong những năm tới. Qua rà soát, kết quả tổng hợp các đơn vị có nhu cầu trang bị 93 ô tô chuyên dùng phục vụ công tác.

Khi nêu nhu cầu, các đơn vị cũng cập nhật luôn giá từng chiếc xe, nguồn kinh phí.

Theo đó, mỗi chiếc xe dự kiến mua sắm mới sẽ có giá 1 – 3,6 tỷ đồng/xe (tùy loại) và kinh phí mua xe sẽ lấy từ ngân sách nhà nước với đơn vị vẫn do ngân sách nhà nước cấp, hoặc tự chủ một phần; đơn vị đã tự chủ chi tiêu hoàn toàn sẽ tự bảo đảm kinh phí mua xe.

Bà Hà nói: “Việc rà soát nhu cầu các đơn vị là theo hướng dẫn. Các đơn vị tổng hợp nhu cầu sử dụng là cần từng đấy xe, nhưng cái này còn phải trao đổi, xin ý kiến của Bộ Tài chính. Kể cả khi Bộ Tài chính đồng ý, Bộ Lao động – thương binh và xã hội cũng không hẳn sẽ đề xuất mua một lúc mấy chục ô tô như vậy, và việc này còn phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

Tin trong nước tối 25/5: Kỷ lục, Bắc Giang ghi nhận 375 ca COVID-19, hơn 50.000 mẫu nguy cơ cao

Hà Nội thêm 6 ca dương tính COVID-19

VnExpress – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội chiều 25/5 ghi nhận thêm ba người liên quan cụm lây nhiễm từ Công ty T&T và Times City, một liên quan Hưng Yên, hai liên quan Đà Nẵng, dương tính COVID-19.

Trong đó, ba người gồm nữ, 37 tuổi, ở đường Hoàng Hoa Thám, Ba Đình; nam, 32 tuổi, ở tòa CT4B, khu đô thị Đại Kim, Hoàng Mai; nữ, 42 tuổi, sống ở tổ 14, Việt Hưng, Long Biên; cùng làm việc ở tầng 5 tòa nhà T&T, ngày 25/5 xét nghiệm dương tính COVID-19.

Hai người là F1 của “bệnh nhân 3633” (vợ cựu giám đốc Hacinco), cùng sống ở Nhân Chính, Thanh Xuân, gồm nam, 16 tuổi và nữ, 67 tuổi. Họ được cách ly tập trung từ trước, ngày 24/5 xét nghiệm dương tính COVID-19.

Nam thanh niên 26 tuổi, ở Nhân Hiền, Hiền Giang, Thường Tín, là F1 của “bệnh nhân 4388” (liên quan chùm ca bệnh ở Thường Tín), đã cách ly tập trung, ngày 24/5 xét nghiệm lần 2 dương tính.

Các ca dương tính chưa được Bộ Y tế định mã, vì vậy xếp vào ca nghi nhiễm. Trưa 25/5, CDC Hà Nội ghi nhận 8 người thuộc chùm ca nhiễm tại Công ty T&T và Times City, 2 trường hợp đã cách ly, dương tính nCoV. Như vậy, tổng ca dương tính liên quan Công ty T&T và Times City là 29.

Tính đến 17h chiều 25/5, Hà Nội đã ghi nhận 140 ca mắc tại 20 quận huyện, gồm Cầu Giấy, Thanh Xuân, Thường Tín, Gia Lâm, Đông Anh, Hà Đông, Phúc Thọ, Hoàng Mai, Sóc Sơn, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Thanh Oai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Đan Phượng, Thạch Thất.

Kỷ lục, Bắc Giang ghi nhận 375 ca COVID-19, hơn 50.000 mẫu nguy cơ cao

Zing – Họp khẩn với Bộ Y tế chiều 25/5, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang cho biết, tình hình dịch tại địa phương vẫn diễn biến phức tạp, báo cáo về việc địa phương này vừa ghi nhận 375 ca dương tính COVID-19. Theo đó, trong khu vực phong tỏa, cách ly xã hội tập trung đông công nhân, lượng F1 lớn. Hiện trên địa bàn cách ly tập trung hơn 12.600 F1. Khu phong tỏa ở Việt Yên tập trung trên 60.000 công nhân ở 3 xã nên mật độ rất đông.

Ba ngày qua, lực lượng chức năng vừa tập trung lấy mẫu trên diện rộng, vừa bám vào các điểm có nguy cơ cao và số lượng F0 (mắc Covid-19) tăng lên rất nhanh. Hầu hết số F0 mới phát hiện đều là trường hợp được xác định là F1 trước đó.

Theo phân tích, số F0 này chủ yếu nằm trong diện F1. Tỷ lệ F1 âm tính thành dương tính rất cao khi công ty bị nhiễm đầu tiên ở KCN Vân Trung có tỷ lệ 79%. Còn tại Công ty Hosiden Việt Nam, tỷ lệ này là 55% (660 F0).

Toàn bộ công nhân tại Công ty Hosiden đã được cách ly riêng từ đầu. Đến nay 18 trường hợp trong khu dân cư bị lây nhiễm cộng đồng, đều liên quan tới công nhân mắc Covid-19 như người nhà, chủ nhà trọ.

Ngoài ra, từ ngày 24-25/5, Bắc Giang cũng ghi nhận thêm 3 nhân viên y tế làm nhiệm vụ bị lây nhiễm chéo, trong đó có 2 nhân viên y tế tuyến huyện và một nhân viên y tế ở tuyến xã.

Theo báo cáo của Bắc Giang, số bệnh nhân chắc chắn sẽ còn tăng, bởi hiện tại còn hơn 50.000 mẫu nguy cơ cao chưa có kết quả xét nghiệm. Với số mẫu này, Bộ trưởng Long chỉ đạo không tiến hành xét nghiệm gộp nữa, mà phải lấy mẫu test nhanh ngay tại chỗ, lập 100-200 điểm lấy mẫu để test nhanh.

Bắc Giang: Yêu cầu dân không ra khỏi nhà

Tuoitre – Ngày 25/5, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương có công văn hỏa tốc yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Theo ông Dương, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến rất phức tạp, đặc biệt đây là loại virus biến chủng mới rất nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh. Tại một số nước trên thế giới, bệnh nhân nhiễm loại virus này rất khó chữa trị, tỉ lệ tử vong cao.

“Đây là đợt bùng phát dịch đặc biệt nguy hiểm, thời gian còn kéo dài, vì vậy cần sự vào cuộc trách nhiệm của tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân. Đặc biệt là ý thức thực hiện, chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch của người dân” – ông Dương nhấn mạnh.

Do đó, ông Dương yêu cầu các địa phương trong tỉnh chưa thực hiện cách ly xã hội (TP Bắc Giang, các huyện Hiệp Hòa, Tân Yên, Yên Thế, Lục Ngạn, Sơn Động) thì người dân không ra khỏi nhà, trừ trường hợp đi thực hiện công vụ, công nhân đi làm việc, đưa người đi cấp cứu, thành viên tổ COVID-19 cộng đồng đi kiểm tra, giám sát.

Nghiêm cấm người dân tụ tập nơi công cộng, kể cả tập thể dục. Các cơ quan, công sở, doanh nghiệp không sản xuất yêu cầu bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc theo chế độ luân phiên hoặc từ xa.

Người dân được phép ra đồng thu hoạch lúa, nông sản nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo phương thức gia đình nào thu hoạch của gia đình.

Các địa phương đã có quyết định cách ly xã hội thực hiện nghiêm các nội dung chỉ thị số 16 của Thủ tướng và các yêu cầu của ban chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương.

Cũng trong ngày 25/5, tỉnh Bắc Giang cũng quyết định cách ly xã hội 4 xã (Xuân Lương, Canh Nậu, Đồng Tiến, Đồng Vương) của huyện Yên Thế.

Hơn 9.000 học sinh phải cách ly, Bắc Giang đề xuất thi tốt nghiệp nhiều đợt

Vietnamnet – Theo đại diện Sở GD-ĐT Bắc Giang, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỉnh có giáo viên, nhân viên và học sinh thuộc diện F0, F1, F2 và diện thuộc vùng phải cách ly, giãn cách xã hội, do đó việc tổ chức coi thi sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê đến hết ngày 22/5, Bắc Giang có 1 giáo viên cấp THPT mắc Covid; số cán bộ, giáo viên thuộc diện phải cách ly y tế là 1.516 (F1 là 111; F2 là 542; diện trong vùng cách ly, giãn cách là 863). Đối với học sinh lớp 12, có 9.147 em thuộc diện phải cách ly y tế (F0 là 1 học sinh; F1 là 141 học sinh; F2 là 2.586; diện trong vùng cách ly, giãn cách là 6.419).

Do đó, Sở GD-ĐT Bắc Giang đề nghị Bộ GD-ĐT, sớm có phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo các đợt khác nhau. Trong đó ở các địa phương là điểm nóng, cần có đợt thi riêng cho đối tượng học sinh đang phải cách ly, hoặc ở trong khu vực phong tỏa.

Sở GD-ĐT cho hay, đưa ra đề xuất này bởi trên thực tế, năm 2020, kỳ thi cũng phải tổ chức đợt thi thứ hai và hiện, Bộ GD-ĐT cũng đã xây dựng nhiều phương án, trong đó có phương án tổ chức nhiều đợt thi.

Ca nghi mắc COVID-19 ghé qua, toàn bộ khu chợ nhộn nhịp với hàng trăm kiốt bị phong tỏa

Nld – Sáng 25/5, một lãnh đạo quận Hà Đông (TP. Hà Nội) xác nhận, quận này vừa lập rào chắn, phun khử khuẩn, cử lực lượng chức năng túc trực tại chợ Xanh Văn Quán (phường Phúc La) để phòng, chống dịch Covid-19, do có ca nghi nhiễm từng đến đây mua đồ. 

Theo đó, ca nghi mắc này làm việc tại Công ty T&T (ở địa chỉ số 2A Phạm Sư Mạnh, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm). Ngay khi tiếp nhận thông tin, quận đã phong tỏa tạm thời chợ Xanh để khử khuẩn, phòng dịch và tiến hành truy vết. Thời gian cho phép chợ Xanh mở cửa hoạt động trở lại sẽ được thông báo sau.

Trước đó, liên quan đến trường hợp nghi mắc Covid-19 là người của Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T, kể từ 0 giờ ngày 25/5, Trung tâm thương mại BigC Thăng Long (quận Cầu Giấy, Hà Nội), cũng đã đóng cửa tạm thời để thực hiện công việc khử khuẩn, phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Chùm ca bệnh liên quan đến Công ty T&T rất phức tạp, chưa rõ nguồn lây. Đến nay đã có 18 ca dương tính liên quan đến Công ty T&T và chùm ca bệnh 4 người trong gia đình ở Khu đô thị Times City.

Chợ Xanh Văn Quán là khu chợ nhộn nhịp với hàng trăm kiốt, gồm nhiều tiểu thương ở khắp mọi nơi, các tỉnh lân cận về đây buôn bán.

Bắc Ninh tăng 500 giường điều trị, thiết lập phòng ICU

VnExpress – Bắc Ninh nâng công suất giường bệnh tại Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 1 lên 500, thêm giường ICU, bổ sung vaccine Covid-19 đợt 3.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo chống dịch, 500 giường này để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ. Ngoài ra, tỉnh đã hỗ trợ nhân lực triển khai thêm 50 giường hồi sức tích cực (ICU) tại Bệnh viện Đa khoa và 100 giường điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện dã chiến số 1, huyện Tiên Du.

Tính từ ngày 5/5 đến nay, Bắc Ninh ghi nhận 536 ca dương tính, trong đó 29 ca chưa được Bộ Y tế định mã bệnh nhân, tiếp tục là điểm nóng dịch bệnh trên cả nước, sau Bắc Giang.

Tỉnh đã lập 3 bệnh viện dã chiến gồm bệnh viện dã chiến số 1, 300 giường đặt tại Trung tâm Y tế huyện Tiên Du; Bệnh viện dã chiến số 2, 300 giường tại Trung tâm Y tế huyện Gia Bình và Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 3 tại trường Sĩ quan Chính trị, phường Vệ An, TP Bắc Ninh. Cả ba bệnh viện đều đã tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19.

Các bệnh viện khác trên địa bàn tiếp nhận bệnh nhân nặng như bệnh viện đa khoa tỉnh đang điều trị cho 34 bệnh nhân nặng trong khu ICU. Trong đó, “bệnh nhân 3760”, 67 tuổi ở Đạo Xá, Nghĩa Đạo, Thuận Thành phải thở máy xâm nhập và lọc máu liên tục, 30 bệnh nhân thở oxy, 3 ca thở máy oxy dòng cao. Bệnh viện Sản Nhi tiếp nhận bệnh nhân thuộc các chuyên khoa sản, nhi.

Bệnh viện Da liễu tổ chức tiếp nhận khám, theo dõi, điều trị, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm các trường hợp F1, tối đa 60 giường bệnh.

Trung tâm y tế các huyện Quế Võ, Yên Phong, Lương Tài, Từ Sơn bố trí mỗi đơn vị 50 giường bệnh. Bệnh viện Phổi và Bệnh viện Sức khỏe tâm thần chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tiếp nhận khám, điều trị cho các trường hợp bệnh nhân F1 nghi mắc hoặc các trường hợp dương tính nhẹ trên địa bàn tỉnh.

Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch điều chỉnh đáp ứng phó với tình huống có trên 1.000 người mắc Covid-19, trong đó, dự kiến 25-30% ca nặng và 10% ca rất nặng; sẵn sàng cho kịch bản 30.000 ca mắc của Bộ Y tế.

Mưa 3 tiếng, bác sĩ bệnh viện ở Hóc Môn xắn quần lội nước khám bệnh

Tuoitre – Cơn mưa kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ sáng 25/5, khiến nhiều khu vực của Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, TP.HCM ngập lênh láng. Có nơi nước ngập quá đầu gối khiến việc thăm khám, cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân gặp khó khăn.

Bác sĩ Đặng Quốc Quân – giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn – cho biết mưa kéo dài 3 tiếng đồng hồ (từ 7h30-10h30), Bị ngập nặng nhất là cổng ra vào bệnh viện, khu vực khoa cấp cứu, khoa khám bệnh, mực nước cao hơn đầu gối (khoảng 60-70cm); khu vực nội trú cao hơn nên ít bị ảnh hưởng hơn.

Trong tình trạng ngập sâu nhưng bệnh viện vẫn hoạt động bình thường. Các y bác sĩ phải đi ủng, hoặc xắn quần lên khỏi đầu gối, lội nước bì bõm tiếp nhận bệnh nhân vào cấp cứu, và xử lý các thủ tục thăm khám.

Để đề phòng chập điện gây tai nạn cho bệnh nhân đến khám, hoặc mất điện ở khu vực khám bệnh cần điện 24/24, bệnh viện chỉ còn cách xử lý kéo dây điện, máy móc lên cao. Các bệnh nhân cấp cứu sau khi xử trí sơ cứu ban đầu, đều được chuyển vào bên trong khu nội trú.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn là bệnh viện hạng 2, trực thuộc quản lý của Sở Y tế TP.HCM. Hiện nay một ngày bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân ngoại trú từ 1.000-1.200 người, còn nội trú khoảng 350 người. 

Từ nhiều năm qua, bệnh viện luôn phải chịu cảnh ngập nước cục bộ khi có mưa lớn kéo dài.

Thiếu tướng, Phó tư lệnh Quân khu 9 bị cách chức

Ngày 25/5, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét, thi hành kỷ luật Thiếu tướng Trần Văn Tài, Đảng uỷ viên, Phó Tư lệnh Quân khu 9, Bộ Quốc phòng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bạc Liêu.

Thiếu tướng Trần Văn Tài đã vi phạm Quy chế làm việc của Đảng uỷ Quân sự tỉnh Bạc Liêu, thiếu trách nhiệm, để xảy ra vi phạm pháp luật và quy định của Bộ Quốc phòng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác huấn luyện, diễn tập và thực hiện quyết toán, sử dụng kinh phí trái quy định.

Vi phạm của Thiếu tướng Trần Văn Tài là rất nghiêm trọng. Xét nội dung, tính chất, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, quá trình công tác và những đóng góp của Thiếu tướng Trần Văn Tài cho Quân đội, địa phương nơi công tác. Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Thiếu tướng Trần Văn Tài bằng hình thức cách chức.

Dân TP.HCM lội nước đi làm trong cơn mưa tầm tã suốt buổi sáng nay

Thanhnien – Cơn mưa từ sáng nay 25/5, kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ, ở nhiều địa phương khác nhau khiến nhiều tuyến đường tại TP.HCM tiếp tục ngập nặng. Mưa ngập vào giờ đi làm khiến giao thông nhiều nơi hỗn loạn và ùn tắc cục bộ.

Tại quận Bình Thạnh các đường bị ngập như Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh, D5, Nguyễn Xí…Tại quận Gò Vấp các tuyến đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ, Phạm Văn Chiêu, Bình Lợi, Cây Trâm…,Tại huyện Hóc Môn nhiều tuyến đường cũng bị ngập như Phan Văn Hớn, Song hành quốc lộ 22, Bà Triệu. Nhiều đường tại các quận 12, quận 2 cũng bị ngập do mưa.

Anh Nguyễn Văn Tài, sống trên con hẻm ở đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh, cho biết cống thoát nước trong các hẻm ở đây gần như không có tác dụng mỗi khi có mưa lớn. “Một trận mưa lớn là con hẻm này biến thành một biển nước do nhiều tuyến đường được nâng cấp cao lên nhưng cống thoát nước thì vẫn giữ nguyên hiện trạng như cũ khiến nước không thể thoát kịp”, anh Tài ngao ngán.

Trên đường Nguyễn Văn Quá (quận 12), ngập sâu quá nửa bánh xe, nặng nhất tại đoạn chợ Tân Hưng khiến việc đi lại cũng như buôn bán của người dân gặp nhiều khó khăn. 

Một tiểu thương tại đây cho biết cứ mưa là ngập bất kể ngày đêm. Mưa nhỏ thì nhanh rút, mưa lớn kéo dài thì phải đóng cửa tiệm, nghỉ bán chứ xe cộ đi vào là chết máy, chẳng ai đến mua.

Tin Việt Nam sáng thứ Năm 27/5: Thêm 115 ca COVID-19. Gần 3000 người nhiễm COVID-19

Thêm 115 ca COVID-19, Bắc Ninh là điểm nóng

VnExpress – Bộ Y tế tối 26/5 ghi nhận 115 ca dương tính COVID-19 trong nước, gồm tại Bắc Giang 39, Bắc Ninh 64, Hà Nội 9, Hải Dương 2, Thái Nguyên một.

Như vậy trong ngày 26/5, Việt Nam ghi nhận thêm 235 ca Covid-19, 59 người được công bố khỏi bệnh, một người tử vong. Tổng số ca cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 3.028 ca, ở 30 tỉnh thành.

Số ca nhiễm mới tối nay nâng tổng số ca nhiễm tại Bắc Giang lên 1.520, Bắc Ninh 624, địa bàn Hà Nội 344 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 90 ca, 49 ca ở Bệnh viện K), Hải Dương 43, Thái Nguyên 3.

Bệnh nhân COVID-19 thứ 45 tử vong

Thanh Niên – Chiều nay, 26/5, Bộ Y tế thông báo ca mắc Covid-19 tử vong, là bệnh nhân nữ, 67 tuổi, quê ở Bắc Ninh.

Ca mắc COVID-19 thứ 45 tử vong tại Việt Nam là bệnh nhân 3760 (nữ, 67 tuổi, địa chỉ H.Thuận Thành, Bắc Ninh).

Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, suy giáp sau xạ trị bướu giáp từ năm 2007, đang điều trị theo đơn; đái tháo đường đang dùng insulin tiêm, thể trạng béo phì.

Ngày 11.5, bệnh nhân nhập Bệnh viện đa khoa Thuận Thành (Bắc Ninh) cách ly điều trị với chẩn đoán viêm phổi trên bệnh nhân tăng huyết áp, suy giáp, đái tháo đường, béo phì.

Ngày 12/5, bệnh nhân xét nghiệm có kết quả dương tính COVID-19 và được chuyển sang Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh để tiếp tục điều trị.

Bệnh nhân được Hội đồng Chuyên môn Bộ Y tế hội chẩn 3 lần, được nhóm bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư tăng cường hỗ trợ điều trị tại chỗ hằng ngày.

Ngày 25/5, bệnh nhân diễn biến bệnh nặng dần, xuất hiện tình trạng suy tim, sốc nhiễm khuẩn. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (H.Đông Anh, Hà Nội) để điều trị, trên đường vận chuyển bệnh nhân xuất hiện cơn ngừng tuần hoàn (lần 1), và thêm 2 lần ngừng tuần hoàn.

Bệnh nhân tử vong đêm 25/5, chẩn đoán tử vong: sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi do nhiễm COVID-19, suy tim trên bệnh nhân tăng huyết áp, suy giáp, đái tháo đường, béo phì.

Gần 3000 người nhiễm COVID-19, gấp hơn 3 lần đỉnh của đợt dịch trước, làn sóng này chưa có dấu hiệu dừng lại

Đợt Covid-19 thứ tư đặc trưng bởi biến chủng nguy hiểm từ Ấn Độ, nhiều ổ dịch cùng lúc, bùng phát mạnh ở khu công nghiệp khiến số ca nhiễm tăng vọt, gấp nhiều lần mọi con số trước đây. Và làn sóng này chưa có dấu hiệu dừng lại, theo VnExpress.

Trong một tháng kể từ ngày đầu ghi nhận lây nhiễm cộng đồng 27/4, Covid-19 lây lan ở 30 tỉnh thành, với gần 3.000 ca, ngày nhiều nhất lên tới 444 ca, gấp hơn ba lần đỉnh của đợt dịch trước. Và làn sóng này chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ba tỉnh thành ghi nhận số ca COVID-19 cao nhất là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội (bao gồm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 90 ca, 49 ca ở Bệnh viện K).

Các biện pháp chống dịch lần này vẫn theo phương châm duy trì mục tiêu kép – sức khỏe và kinh tế – nhưng chuyển sách lược sang tấn công bằng xét nghiệm diện rộng và vaccine. Tuy vậy tỷ lệ người đã tiêm phòng trên dân số hiện ở mức gần 1%, rất xa mức 50-70% mà các chuyên gia cho là cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng.

Đến nay ghi nhận 10 ca tử vong liên quan COVID-19, trong đó có một người bệnh trẻ khỏe không có bệnh nền. 80% bệnh nhân xuất chỉ biểu hiện ít triệu chứng, 20% bệnh nhân có thể trở nặng và nhanh chóng diễn biến nặng. Tốc độ trở nặng rất nhanh là một trong những điểm khác biệt của đợt dịch này so với ba đợt trước.

Thời gian hoành hành của đợt dịch lần này kéo dài hơn. Hồi đầu năm, sau 30 ngày là dịch đã được khống chế trên cả nước, trừ Hải Dương ghi nhận vài ca mỗi ngày đều trong khu vực đã được cách ly, phong tỏa. Lần này, sau một tháng, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long dự báo số ca nhiễm vẫn còn tiếp tục tăng. Các chuyên gia cũng dự báo dịch không thể kết thúc trước cuối tháng 6.

COVID-19 đã tấn công vào chính các “thành trì” chống dịch như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, các bệnh viện Phổi và đa khoa, đồng thời bùng phát các khu công nghiệp nơi tập trung nhiều công nhân.

Tốc độ xuất hiện các ổ dịch mới nhanh

Khởi đầu đợt dịch lần này là chuỗi siêu lây nhiễm cộng đồng ở Hà Nam. Một người nhập cảnh sau khi hết thời gian cách ly tập trung tại Đà Nẵng về Hà Nam ghi nhận dương tính nCoV ngày 29/4. Chỉ vài ngày, dịch lây lan cho người ở 4 tỉnh thành gồm Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên, TP HCM.

Tiếp đến là chuỗi lây nhiễm từ khách sạn Như Nguyệt 2 tại Yên Bái, từ đó ghi nhận liên tiếp các ca nhiễm liên quan nhóm chuyên gia Ấn Độ và trong khu cách ly tập trung của khách sạn này.

Thứ ba là chuỗi lây nhiễm cộng đồng từ Vĩnh Phúc với chùm lây nhiễm liên quan nhóm chuyên gia Trung Quốc sau khi hết cách ly ở khách sạn Như Nguyệt 2 Yên Bái đã di chuyển nhiều nơi.

Tại Đà Nẵng, ca nhiễm cộng đồng đầu tiên trong đợt dịch này là “bệnh nhân 2982”, nhân viên khách sạn Phú An. 6 ngày sau số ca nhiễm tại Đà Nẵng đã tăng lên 53 với 3 chuỗi lây là khách sạn Phú An, quán bar New Phương Đông, thẩm mỹ viện quốc tế AMIDA. Chỉ hai ngày sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên tại thẩm mỹ viện AMIDA, dịch đã lan ra các tỉnh Huế, Quảng Nam, Đăk Lăk. Đến nay nguồn lây nhiễm cho cụm dịch ở Đà Nẵng vẫn chưa được xác định.

Tại Hà Nội, ngày 4/5, chùm ca nhiễm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương được phát hiện sau khi một bác sĩ của bệnh viện đi công tác nước ngoài xét nghiệm dương tính nCoV. Bệnh viện phải cách ly y tế đến nay chưa được gỡ cách ly. Đến nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã phát hiện 90 bệnh nhân Covid-19, gồm nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang ở viện.

Từ các ca nhiễm ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhanh chóng phát hiện thêm 49 ca nhiễm tại bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Các bệnh nhân, người nhà chăm sóc bệnh nhân từ hai bệnh viện này về địa phương mang theo mầm bệnh đã lây lan cho hàng chục tỉnh thành khác.

Tại Bắc Ninh, Bắc Giang các ổ dịch tại khu công nghiệp có tốc độ lây lan cực mạnh và nhanh. Tại Bắc Giang hiện hai ổ dịch ở Công ty Shin Young và công ty Hosiden Việt Nam, trong các khu công nghiệp, diễn biến phức tạp, với tỷ lệ 55-79% F1 (tiếp xúc gần) chuyển thành F0 (mắc Covid-19). Các chuyên gia đánh giá số ca nhiễm được phát hiện sẽ tiếp tục tăng cao trong những ngày tới nhờ công tác tổng lực lấy mẫu và xét nghiệm.

Đến trưa 26/5, tổng số ca nhiễm tại Bắc Giang là 1.481, Bắc Ninh 560.

Các biến chủng nguy hại

Trong số 32 mẫu bệnh phẩm bệnh nhân ở Đà Nẵng được giải trình tự gene virus, có 30 mẫu nhiễm chủng Anh B.1.1.7 và 2 mẫu nhiễm chủng B.1.617.2 từ Ấn Độ.

Kết quả giải trình tự gene virus các bệnh nhân ở Yên Bái, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, TP HCM… nhiễm chủ yếu là biến chủng Ấn Độ và một số mẫu nhiễm biến chủng Anh.

Chủng B.1.617.2 từ Ấn Độ có khả năng lây lan rất mạnh, rất nhanh, rất rộng. Đặc biệt nCoV đang nhân lên với tốc độ nhanh gấp đôi tốc độ trong phòng thí nghiệm và phát tán mầm bệnh rất rộng. Bộ Y tế đánh giá chủng từ Ấn Độ là nguyên nhân xuất hiện lượng ca nhiễm cộng đồng lớn tại Việt Nam trong đợt dịch này.

Biến chủng virus của Anh lây lan nhanh gấp 170% (1,7 lần) nhưng biến chủng của Ấn Độ còn nhanh hơn, đặc biệt khả năng lây nhiễm trong không khí ở môi trường kín. Ngoài ra, bình thường COVID-19 trong phòng thí nghiệm đến ngày thứ 3-4 mới mọc, trong đợt dịch này chỉ cần 2 ngày đã nhân lên rất nhiều.

Do biến chủng Ấn Độ lây nhanh trong không khí, ngành y tế thay đổi phương thức “chạy theo” xét nghiệm sang chủ động xét nghiệm sàng lọc.

Hiện Bắc Giang cũng áp dụng chiến lược lấy mẫu xét nghiệm nhanh trên diện rộng. Từ ngày 22 đến 25/5, ngành y tế tỉnh Bắc Giang khoanh vùng các khu công nghiệp, lấy mẫu xét nghiệm rộng công nhân, phát hiện hơn 300 ca dương tính nCoV. Từ ngày 26/5, Bắc Giang bắt đầu sử dụng test kháng nguyên tại 3 điểm nguy cơ cao, nhằm phát hiện những trường hợp dương tính COVID-19 nhanh nhất để tách ra khỏi cộng đồng. Dự kiến trong những ngày tới số lượng ca F0 vẫn tăng.

Tuy nhiên suốt 30 ngày chống dịch trong thời tiết hè ở miền bắc, nhiều nhân viên y tế ở các tâm dịch phải làm việc liên tục dẫn đến kiệt sức. Các chuyên gia khuyến cáo cần chiến lược “nuôi quân”, chia ca, nghỉ ngơi hợp lý để đánh trận lâu dài.

Liên quan đến diễn biến COVID-19, theo báo Người lao Động, chiều 26/5, Bộ Y tế thông báo ca tử vong thứ 45 liên quan đến COVID-19 ở nước ta là bệnh nhân nữ, 67 tuổi có tiền sử tăng huyết áp, suy giáp sau xạ trị bướu giáp, đái tháo đường, thể trạng béo phì.

Bệnh nhân tử vong đêm 25/5 với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi do nhiễm SARS-CoV-2, suy tim trên bệnh nhân tăng huyết áp, suy giáp, đái tháo đường, béo phì.

Đây là trường hợp tử vong liên quan đến Covid-19 thứ 10 trong đợt dịch này. 9 trường hợp tử vong trước đó gồm: BN3839 (89 tuổi, nữ, quê Bắc Ninh); BN3955 (34 tuổi, nam, Bắc Ninh); BN3197 (64 tuổi, nữ, Hà Nội); BN3554 (81 tuổi, nam, Hà Nội); BN3028 (nữ, 70 tuổi, Hà Nội); BN3653, nữ, 89 tuổi (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng); BN3022, nữ, 72 tuổi và BN3015, nam, 50 tuổi; BN4807, nữ, 38 tuổi (công nhân khu công nghiệp ở Bắc Giang).

Bộ Y tế trưa 26/5 ghi nhận 40 ca dương tính COVID-19 trong nước, bao gồm tại Bắc Giang 27, Bắc Ninh 4, Hà Nội 6, Điện Biên, Hải Dương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đều một.

Như vậy trong buổi sáng nay Bộ Y tế công bố thêm tổng cộng 120 ca nhiễm. Số ca nhiễm mới trưa nay đưa tổng số ca nhiễm tại Bắc Giang 1481, Bắc Ninh 560, địa bàn Hà Nội 335 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 90 ca, 49 ca ở Bệnh viện K), Điện Biên 56, Hải Dương 41.

Số ca nhiễm cộng đồng tính từ ngày 27/4 đến nay lên 2.913, ở 30 tỉnh thành. Có 7 tỉnh gồm Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị đã qua 14 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới.

TP. Bắc Ninh lập hơn 100 chốt kiểm soát

VnExpress – Sáng 26/5, lãnh đạo TP. Bắc Ninh cho hay trong số 115 chốt kiểm soát có một chốt cấp tỉnh đặt tại vị trí gần trụ sở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, trên quốc lộ 38 đi thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành.

114 chốt cấp phường gồm 30 chốt mềm, 84 chốt cứng. Các chốt kiểm soát có nhiệm vụ không cho người từ vùng dịch, xe chở khách vào thành phố. Xe chở lương thực được vào khi đảm bảo chỉ có một tài xế, không biểu hiện ho, sốt và có giấy xét nghiệm âm tính.

Do số lượng chốt cứng lớn, nhiều phường đã sử dụng gạch, cống bê tông để làm rào chắn, ba ca trực cả ngày lẫn đêm.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch phường Võ Cường (TP. Bắc Ninh) cho biết, đã dựng 16 chốt cứng chủ yếu phục vụ việc cách ly giữa phường với phường và chốt tại các điểm chợ tạm. “Các chốt phối hợp với lực lượng cơ động sẽ giám sát để người dân không ra đường sau 20h, ban ngày chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm”, ông Toàn nói.

Hôm nay, TP. Bắc Ninh cũng phong tỏa thêm hai cụm dân cư ở phường Vân Dương và cụm dân cư khu Lãm Làng với 46 hộ, gần 1.900 người; cụm dân cư Chu Mẫn với 13 hộ, 1.500 người; chung cư HUD Trầu Cau, phường Võ Cường với hơn 1.000 người. Các khu dân cư đều có thời gian phong toả 14 ngày và có thể kéo dài hơn tùy diễn biến dịch.

Hiện, TP. Bắc Ninh, huyện Thuận Thành, Quế Võ, Yên Phong đang thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị 16. Các huyện Lương Tài, Tiên Du, thị xã Từ Sơn giãn cách theo chỉ thị 15.

Hà Nội thêm 2 ca dương tính COVID-19

VnExpress – CDC Hà Nội chiều 26/5 ghi nhận 2 người dương tính nCoV, trong đó một liên quan chùm ca tại Times City và Công ty T&T, một liên quan Bệnh viện K. Các ca này chưa được Bộ Y tế ghi nhận, vì vậy xếp vào ca nghi nhiễm.

Hai người gồm:

Nữ, 50 tuổi, sống ở đường 800A, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Bà làm việc tại tầng 5 tòa nhà Công ty T&T và tiếp xúc gần “bệnh nhân 5312”. Ngày 23/5, bà xét nghiệm nghi ngờ nhiễm nCoV, cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng Đường sắt, Long Biên. Ngày 26/5, Trung tâm Y tế quận Long Biên lấy mẫu lần 2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông báo kết quả dương tính.

Còn người liên quan tới chùm trong Bệnh viện K là nam, 37 tuổi, sống ở xã Xuân Phú, huyện Định Hóa, Thái Nguyên. Từ ngày 1/4, anh đến Bệnh viện K để chăm bố ốm. Ngày 5/5 và 8/5, anh được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả âm tính nCoV. Ngày 11/5, CDC Hà Nội chuyển anh sang cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao, Nam Từ Liêm. Sau đó, anh nhận kết quả xét nghiệm âm tính vào 16/5; 21/5. Ngày 25/5, anh xét nghiệm lần thứ 5, kết quả dương tính.

Theo CDC Hà Nội, thành phố đã ghi nhận 149 ca nhiễm cộng đồng ở 20 quận, huyện.

100 tấn vải thiều sắp được xuất khẩu sang Australia

Thương vụ Việt Nam tại Australia đang kết nối giao thương và làm việc với các nhà nhập khẩu để đưa vải thiều Việt Nam sang nước này.

Cụ thể, trong tuần qua, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã làm việc với các nhà nhập khẩu để thống nhất kế hoạch nhập khẩu khoảng 100 tấn vải thiều từ Việt Nam sang các bang Nam Australia và Tây Australia.

Đối với các bang còn lại, Thương vụ đang tiếp tục kết nối giao thương căn cứ trên tình hình vận chuyển thực tế.

Khoảng 100 tấn vải thiều Việt Nam dự kiến sẽ được xuất khẩu sang Australia trong thời gian tới. Ảnh minh họa: Việt Linh.

Song song với kế hoạch này, Thương vụ cho biết sẽ tiếp tục triển khai chương trình xây dựng thương hiệu và thúc đẩy tiêu thụ quả vải Việt Nam tại Australia. Theo đó, hoạt động kích cầu sẽ được đẩy mạnh triển khai tại các điểm tiêu thụ như siêu thị, mạng xã hội…, trong đó đặc biệt định hướng người tiêu dùng làm quen với màu quả vải ngả vàng do chiếu xạ.

Việc kết nối giao thương cũng sẽ diễn ra liên tục suốt mùa vải. Thương vụ cử cán bộ trực phối hợp để tháo gỡ khó khăn liên quan đến thủ tục nhập khẩu tại Australia nếu có, cũng như đề xuất với các cơ quan của Australia để thúc đẩy thông quan thuận lợi.

Khi hết mùa vụ, cơ quan này sẽ thúc đẩy doanh nghiệp chế biến vải thành các sản phẩm như vải khô, vải đông lạnh, vải đóng lon.

“Năm nay, các nhà nhập khẩu và chương trình xúc tiến đều đã sẵn sàng. Kết quả xuất khẩu mùa vải năm nay phụ thuộc phần lớn vào khâu vận chuyển”, Thương vụ Việt Nam tại Australia nhận định.

Trước đó, năm 2020, dưới ảnh hưởng của dịch bệnh, cước vận chuyển hàng không tăng cao, trong khi logistics đường biển cũng gặp nhiều bất cập như khó khăn khi đặt lịch xuất hàng, thời gian vận chuyển kéo dài… Mặc dù vậy, kim ngạch xuất khẩu quả vải Việt Nam sang Australia vẫn tăng 188% so vời cùng kỳ năm 2019.

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã ban hành kế hoạch tiêu thụ vải thiều cùng nhiều giải pháp hỗ trợ trong bối cảnh mùa thu hoạch cận kề mà diễn biến dịch còn khó lường. Theo đó, sản lượng vải thiều năm nay ước đạt 180.000 tấn.

Nếu dịch được kiểm soát, địa phương sẽ đem tiêu thụ 50% nội địa và 50% xuất khẩu. Ở 2 kịch bản khác với diễn biến dịch nghiêm trọng hơn, sản lượng vải tiêu thụ trong nước có thể lên đến 70%, thậm chí toàn bộ.

Phi công ngủ quên, máy bay bay quá điểm hạ cánh 111 km

Một phi công Australia ngủ quên suốt 40 phút khi điều khiển chiếc Cessna 208B, khiến phi cơ bay quá sân bay tới 111 km.

Theo Sydney Morning Herald, Cục An toàn Giao thông Australia (ATSB) cho biết chiếc cất cánh từ Cairns (bang Queensland) và dự kiến đến sân bay Redcliffe, nhưng cuối cùng phải hạ cánh ở sân bay Gold Coast cách đó hơn 100 km.

Các nhân viên không lưu tại sân bay Redcliffe liên lạc với phi công để trao đổi về việc hạ cánh, nhưng không nhận được phản hồi. Máy bay tiếp tục chệch hướng về phía Brisbane và thành phố Gold Coast.

Do đó, các nhân viên không lưu nhờ một số máy bay khác trong khu vực tiếp cận chiếc Cessna 208B. Thậm chí Lực lượng Phòng vệ Australia cũng được thông báo về sự cố này. Một máy bay của Dịch vụ Y tế Hàng không Australia (RFDS) được điều động để tiếp cận chiếc Cessna 208B.

Máy bay của RFDS bay đến rất gần chiếc Cessna 208B, nhưng phi công vẫn không tỏ dấu hiệu nhận biết. Kiểm soát không lưu sân bay Redcliffe lập tức nâng mức cảnh báo sự cố.

Đường bay của máy bay Cessna 208B. Ảnh: ATSB.

Dù vậy, 40 phút, phi công lái chiếc Cessna 208B đã phản hồi lại lực lượng kiểm soát không lưu. Khi đó máy bay đã bay cách sân bay Redcliffe khoảng 111 km.

“Nhân viên kiểm soát không lưu cho biết giọng của phi công rất lờ đờ. Phải mất vài phút anh ta mới hiểu được tình hình và hạ độ cao máy bay”, báo cáo của ATSB cho biết.

Máy bay hạ cánh an toàn xuống sân bay Gold Coast. ATSB phát hiện phi công đã nâng độ cao máy bay từ 10.000 m lên 11.000 m do gặp thời tiết xấu và tầm nhìn kém. Độ cao này có thể dẫn đến tình trạng thiếu oxy. Ngoài ra, sự mệt mỏi khiến người phi công này rơi vào trạng thái ngủ gật.

Bị Trung Quốc tẩy chay, tôm hùm Australia tìm thị trường mới

Xuất khẩu tôm hùm đá từ Australia sang Trung Quốc bị chặn đứng sau khi Bắc Kinh trả đũa thương mại Canberra.

Theo South China Morning Post, trước năm 2020, doanh nghiệp đánh bắt và xuất khẩu thủy hải sản của ông Andrew Ferguson ở Nam Australia bán khoảng 450 tấn tôm hùm đá sang Trung Quốc. Tuy nhiên, dịch Covid-19 và đòn trả đũa thương mại của Trung Quốc khiến ông Ferguson mất trắng mối làm ăn này.

Xuất khẩu tôm hùm đá từ Australia sang Trung Quốc đạt 11.000 tấn/năm, nhưng đã bị chặn đứng hoàn toàn từ năm ngoái. Một năm trước, chính phủ Australia kêu gọi điều tra quốc tế về nguồn gốc của dịch Covid-19. Lập tức, chính quyền Trung Quốc cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng Australia để trả đũa, bao gồm rượu vang, lúa mạch, bông, đồng, than đá, đường và tôm hùm.

“Có lẽ chúng tôi đã quá phụ thuộc vào nhu cầu từ Trung Quốc. Đây là bài học quá lớn. Giờ chúng tôi phải xem xét lại chiến lược và tìm những thị trường mới”, doanh nhân Ferguson thừa nhận.

Doanh nhân Andrew Ferguson đang tìm kiếm thị trường mới sau khi Trung Quốc trả đũa thương mại Australia. Ảnh: SCMP.

Từ năm ngoái, Liên đoàn Nông dân Quốc gia Australia (NFF) đã kêu gọi chính phủ liên bang “đặt ra những ưu tiên dài hạn, rõ ràng cho việc tiếp cận các thị trường mới”.

Trong năm 2019 và 2020, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 91% tổng sản lượng xuất khẩu tôm hùm đá của Australia. Bộ Nông nghiệp Australia xác định trong 5 năm tới, xuất khẩu tôm hùm đá sang Trung Quốc khó quay lại mức như giai đoạn 2013-2019.

Bộ Nông nghiệp Australia cho rằng ngành xuất khẩu tôm hùm có thể hướng đến những thị trường khác nhỏ hơn Trung Quốc. Ông Ferguson cho biết doanh nghiệp của ông đã lên kế hoạch cung cấp tôm hùm đông lạnh cho các siêu thị ở Australia, Mỹ, đặc biệt là châu Âu.

Trước khi Australia và Trung Quốc ký hiệp định thương mại tự do hồi năm 2015, châu Âu là một trong những thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Australia. Ngoài ra, ông Ferguson và các doanh nghiệp khác cũng kéo dài mùa đánh bắt tôm hùm từ 5 tháng lên 12 tháng.

Đầu năm 2021, để hỗ trợ ngành khai thác tôm hùm đá khu vực miền nam, chính quyền Australia cho phép ngư dân kéo dài mùa đánh bắt. “Đó là sự hỗ trợ cần thiết để doanh nghiệp chúng tôi đàm phán với các thị trường mới mà không phải chịu áp lực về sản lượng trong thời gian ngắn”, ông Ferguson chia sẻ.

Nguồn tiền Trung Quốc đổ vào bất động sản Australia sụt giảm mạnh

Mối quan hệ căng thẳng giữa Canberra và Bắc Kinh khiến cho nhiều nhà đầu tư Trung Quốc do dự khi cân nhắc đổ tiền vào thị trường bất động sản của Australia.

Theo South China Morning Post, thống kê của Real Capital Analytics (RCA) cho thấy các khoản đầu tư của các công ty nhà nước và tư nhân Trung Quốc vào Australia giảm 29% trong năm ngoái. Tổng lượng vốn 1,2 tỷ AUD đã đầu tư vào Australia năm 2019 giảm xuống chỉ còn 858 triệu AUD vào năm 2020.

Trong quý đầu tiên của năm nay, đầu tư từ Trung Quốc và Australia đạt 29 triệu AUD. Nghiên cứu này dựa trên các giao dịch bất động sản liên quan đến các tài sản tạo ra thu nhập như khách sạn, các trung tâm thương mại và khu công nghiệp cũng như các dự án nhà đất có trị giá ít nhất 13 triệu AUD.

Sự sụt giảm lớn trong đầu tư của Trung Quốc trong năm qua trái ngược với năm 2018 khi đầu tư của Trung Quốc đại lục vào bất động sản Australia đạt 3,2 tỷ AUD.

Sau nhiều loại nông sản, bất động sản là mặt hàng tiếp theo của Australia chịu tác động từ căng thẳng thương mại Australia – Trung Quốc. Ảnh: AAP.

Căng thẳng ngoại giao và thương mại giữa Bắc Kinh và Canberra leo thang sau khi Australia kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch Covid-19. Trung Quốc liên tục tung đòn trả đũa thương mại, nhắm vào các mặt hàng xuất khẩu của Australia như than đá, lúa mạch, gỗ và hải sản.

Đầu tháng nay, Bắc Kinh tuyên bố đình chỉ mọi hoạt động trong khuôn khổ Đối thoại Kinh tế Chiến lược Trung Quốc – Australia. Động thái này diễn ra vài tuần sau khi Australia hủy bỏ thỏa thuận Vành đai và Con đường gây tranh cãi của chính quyền bang Victoria với Trung Quốc.

Trước đó, ngư dân đánh bắt tôm hùm đã của Australia cũng gặp nhiều khó khăn do căng thẳng thương mại giữa hai nước. Xuất khẩu tôm hùm đá từ Australia sang Trung Quốc đạt 11.000 tấn/năm, nhưng đã trở về con số 0 vào năm ngoái.